Tinh vi mật ong "xịn" từ.... vỏ cây, đường và phèn chua

Chỉ cần vỏ cây núc nác, một ít phèn nấu với đường trong chừng 20 phút là có ngay chai mật ong y như thật. Loại mật ong giả này đang được rao bán công khai, không có bất cứ sự kiểm soát nào.

“Công nghệ” làm mật ong giả

“Mật ong giá nào cũng có, từ 100 - 300 nghìn đồng/chai, nhưng cô biết rồi đó, tiền nào của ấy. Rẻ tiền thì chỉ có đồ giả thôi”. Từ chỉ dẫn của bà Nguyễn Thị Ngạt - chủ một cửa hiệu kinh doanh mật ong lâu năm tại TP.Thanh Hoá, chúng tôi về xã Xuân Tín (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) được xem là “thủ phủ” của hàng loạt hàng giả như: Cao hổ, nhung hươu, mì chính… và mật ong giả.

Ông H cho một ít sáp ong vào chai cho giống mật ong thật.
Ông H cho một ít sáp ong vào chai cho giống mật ong thật.

Trong vai người đi buôn mật ong, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn V (thôn 22, xã Xuân Tín). Ông V có thâm niên buôn bán, làm mật ong giả hơn 30 năm. Phải mất nhiều giờ hỏi thăm, tâm sự, ông mới hé lộ bí quyết làm mật ong giả cho chúng tôi. Theo ông V, 4 nguyên liệu chính để làm mật ong giả là đường, vỏ cây núc nác, nước lọc và phèn (hoặc chanh tươi).

Sau một hồi thuyết phục, ông V gọi em họ là Nguyễn Văn H tới “biểu diễn” cho chúng tôi xem. Rất nhanh chóng, ông H đổ nước vào chiếc nồi, rồi hất luôn thìa phèn cùng vài hạt muối vào nồi nước đang đun nóng. Chừng 10 phút sau, ông đổ 2kg đường vào nồi đun sôi và khuấy đều. “Muốn mật đẹp, khi cho đường vào nồi phải lấy đũa quấy đều tay, không để đường bén dưới xoong”- ông H tiết lộ bí quyết gia truyền.

Cũng theo ông H, khi nấu, thay vì dùng phèn, người nấu cũng có thể cho chanh tươi vào để không bị đóng đường lại. Tuy nhiên, dùng chanh tuy ít độc hơn, nhưng “mật” lại hay bị loãng và không để được lâu như phèn. Tuỳ vào chất lượng, màu sắc của nước đường mà có thể đun vỏ của cây núc nác để tạo màu vàng đậm cho chai mật ong. Chưa đầy 20 phút, công đoạn biến đường thành mật ong của ông H đã hoàn thành.

Giá nào cũng có

Để ngụy trang cho hỗn hợp nước đường trở thành mật ong thứ thiệt, sau khi để nguội, rót vào chai, ông H còn cà nhỏ một ít sáp ong cho lên cổ chai và đổ thêm vài giọt mật thật lên thành chai để có mùi thơm đặc trưng của mật ong, rồi nút lại bằng lá chuối.

Phèn chua là một hoá chất cực độc, không được sử dụng trong việc chế biến đồ ăn. Chính vì vậy, việc sử dụng sản phẩm mật ong giả có thể gây nguy hiểm tới sức khoẻ của người tiêu dùng.

Sau khi hoàn tất các thủ tục biến hoá, chúng tôi đặt 2 chai mật ong giả cạnh những trai mật ong thật thì thấy chúng giống nhau đến 90%. Nếu chỉ nhìn mắt thường, thậm chí ngửi thì khó mà phân biệt được đâu là mật ong thật, đâu là mật ong giả.

Theo một số người dân xã Xuân Tín, xã này vẫn còn chừng 20-30 hộ làm nghề buôn bán mật ong giả. Thông thường, mỗi ngày họ nấu chừng 5-10 chai, bán hết mới nấu mẻ khác.

Khảo sát thị trường tại Hà Nội như chợ Long Biên, phố Hải Thượng Lãn Ông… chúng tôi thấy giá bán mật ong có độ dãn cách khá xa. Tại chợ đầu mối Long Biên, một chai mật ong dung lượng khoảng 650ml có giá 150-250 nghìn đồng.

Theo chị Nguyễn Thị Giang - chủ cửa hàng mật ong ở đây: “Mật xịn có giá từ 200-250 nghìn đồng/chai, nhưng khách muốn mua loại chỉ hơn 100 nghìn/chai cũng có, nhưng loại rẻ tiền thì không thể thật 100%”.

Theo Minh Nguyệt
Dân Việt