Tỉnh táo khi lựa chọn môi trường sống “xanh”
(Dân trí) - Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh thiếu bền vững khiến "lá phổi xanh" các thành phố đang bị teo tóp dần. Chính điều này trở thành cơ hội cho các chủ đầu tư khai thác để tạo sức hút trong các dự án nhà ở, song nhiều dự án vẫn tiền hậu bất nhất…
Môi trường sống trong lành là điều nhiều người hướng tới.
So với mục tiêu đề ra về diện tích đất cây xanh vào năm 2010 tại TPHCM từ 6 - 7m2/người (không kể cây xanh đường phố, cây xanh cách li trong khu công nghiệp, cây xanh quanh nhà ở) thì tiêu chuẩn này đã trở thành một ước mơ xa vời vì kết thúc năm, thành phố chỉ đạt được chưa đến 1m2/người. Điều này cũng tương tự xảy ra đối với Hà Nội, trong khi theo quy hoạch của thủ đô, diện tích đất cây xanh đến năm 2020 phải là 16 m2/người thì suốt 5 năm qua (từ 2006 – 2010) cũng chỉ tăng được diện tích đất cây xanh của thành phố lên gần 1m2/người.
Thậm chí, trong khi dân số trong các thành phố lớn ngày càng tăng thì diện tích cho cây xanh lại còn bị cắt xén một cách không thương tiếc. Theo thống kê của Công ty Công viên cây xanh TPHCM, diện tích công viên, vườn hoa, cây xanh dải phân cách trên địa bàn khoảng 1.000ha vào năm 1998 thì nay chỉ còn 535ha, tức giảm gần 50%.
Một số đoạn đường cắt ngang các công viên để giải quyết áp lực về lưu lượng giao thông trong nội thành cũng lấy đi một phần diện tích mảng xanh, như trường hợp đường Trương Định, Đỗ Quang Đẩu, và dự kiến sắp tới là đường Phạm Văn Hai… ở thành phố này.
Ai cũng hiểu, thiếu cây xanh đồng nghĩa với việc môi trường sống bị đe dọa bởi thiếu ôxy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Trong khi đó, những người sống trong thành phố nhìn chung đều có mức sống và thu nhập cao hơn so với những vùng quê, nông thôn. Chính điều này đã trở thành cơ hội cho những chủ đầu tư các dự án nhà ở tận dụng như một cơ hội để tạo ra sự khác biệt đối với những căn nhà phố mà người dân đang phải sống hiện nay.
Điển hình như Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã đóng góp đến 74,36ha, chiếm khoảng 14% tổng diện tích cây xanh của TP.HCM. Điều này cũng được thấy rõ trong nhiều dự án khu đô thị mới, đô thị sinh thái cao cấp khác ở Hà Nội… có diện tích không gian xanh chiếm 20 - 40% hoặc hơn. Thậm chí như một dự án ở quận 2, TPHCM, không gian xanh chiếm đến 86% diện tích và xung quanh còn có 50 ha rừng phòng hộ bao quanh.
Rõ ràng, việc tạo ra môi trường sống với “lá phổi xanh” được coi trọng không chỉ mang lợi ích cho người dân mà cho cả xã hội. Tuy nhiên, với một thực tế hiện nay, các dự án chủ yếu được bán trong thời gian đang xây dựng, chưa hoàn thành, thậm chí không ít dự án mới chỉ được giao dịch “trên giấy” thì khách hàng cần phải thận trọng khi bỏ tiền ra mua. Đặc biệt, với những khách hàng quan tâm đến môi trường sống “xanh” thì cần phải khẳng định được sự cam kết của chủ đầu tư về mức độ bao phủ cây xanh trong dự án, tiến độ hoàn thành…
Những dự án “tiền hậu bất nhất” trong thời gian vừa qua như: tăng mật độ xây dựng trong quá trình thi công, thay đổi thiết kế để biến các đất dành cho dịch vụ công cộng, hồ nước, cây xanh… thành nhà ở nhằm tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư là bằng chứng rõ nét nhất để các người dân cần tỉnh táo. Và hơn nữa, đối với một thị trường đang chuyển dần từ lợi thế của người bán sang người mua do khoảng cách cung cầu thu hẹp lại thì không có lý do gì khách hàng phải chịu sức ép đối với chủ đầu tư.
Thùy Nhung