1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tình huống bất ngờ với cổ phiếu Vingroup; biến động ở "top 10" vốn hóa

Mai Chi

(Dân trí) - Biến động giá của VIC trong nửa đầu năm nay là không đáng kể, nhưng do sự bứt tốc mạnh mẽ của nhiều mã cổ phiếu, danh sách top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt đã thay đổi mạnh.

Phiên giao dịch sáng nay (7/6), VN-Index vẫn kiên trì tăng thêm 4,75 điểm tương ứng 0,37% lên 1.288,31 điểm, áp sát vùng cản mạnh 1.290 điểm. VN30-Index tăng 5,59 điểm tương ứng 0,43%; HNX-Index tăng 1,14 điểm tương ứng 0,47% và UPCoM-Index tăng 0,34 điểm tương ứng 0,34%.

Thanh khoản thấp với khối lượng giao dịch 303,7 triệu cổ phiếu tương ứng 7.917,64 tỷ đồng trên HoSE và 37,75 triệu cổ phiếu tương ứng 616,22 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 54,6 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 570,1 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời hiện hữu, tuy vậy, giới đầu tư vẫn tương đối thận trọng trong cả hoạt động mua vào và bán ra.

Trên quy mô toàn thị trường, độ rộng nghiêng về phía các mã tăng giá với 536 mã tăng, 68 mã tăng trần so với 295 mã giảm, 18 mã giảm sàn. Riêng rổ VN30 có 17 mã tăng, 8 mã điều chỉnh.

Một số mã lớn có mức tăng tốt như POW tăng 2,6%; SAB tăng 2,1%; TCB tăng 2%; VNM, FPT, STB, MWG, BVH, CTG, GAS… tăng giá. VHM, HPG, VCB, BCM, TPB, VPB, MSN, VRE điều chỉnh nhẹ.

Cổ phiếu VIC của Vingroup đứng giá tham chiếu 43.700 đồng/đơn vị. Nhìn chung, biến động giá của VIC trong nửa đầu năm nay là không đáng kể, giảm nhẹ 2%. Tuy vậy, do nhiều cổ phiếu có mức tăng giá tốt so với thị trường chung, theo đó, thứ tự quy mô vốn hóa của những doanh nghiệp lớn nhất thị trường đã có sự thay đổi đáng kể.

Tình huống bất ngờ với cổ phiếu Vingroup; biến động ở top 10 vốn hóa - 1

Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến sáng 7/6 (Nguồn: VDSC).

Với mức vốn hóa của Vingroup tại thời điểm này là 167.094 tỷ đồng, VIC đã không còn nằm trong top 10 những mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Vị trí thứ 10 đang thuộc về VHM của Vinhomes với giá trị vốn hóa đạt 169.820 tỷ đồng.

Mã dẫn đầu về vốn hóa hiện là VCB với quy mô 496.311 tỷ đồng, kế đến là BID với 273.336 tỷ đồng; VGI của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel với 271.812 tỷ đồng; ACV với 250/349 tỷ đồng. Các mã kế đến là HPG, GAS, FPT, CTG, TCB.

FPT gây bất ngờ khi đã vượt qua loạt doanh nghiệp lớn như VIC, VHM, TCB, CTG về quy mô vốn hóa. Với mức giá 141.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của FPT hiện tại đã là 179.320 tỷ đồng. Mã cổ phiếu của tập đoàn ông Trương Gia Bình không ngừng phá kỷ lục, thiết lập đỉnh mới. Mức giá hiện tại là mức giá cao nhất mọi thời đại của FPT, tăng 27% sau 3 tháng và tăng gần gấp đôi sau một năm.

Trong sáng nay, một số mã nhỏ như HNA, VTO, YEG, HNG, PTL và TNC tăng trần, trong đó HNG khớp lệnh 4,7 triệu đơn vị, tăng trần lên 5.150 đồng, dư mua giá trần 5,7 triệu cổ phiếu.

Phần lớn cổ phiếu tại các nhóm ngành phân hóa. Chẳng hạn, tại nhóm bất động sản, những mã có diễn biến tăng tốt, ngoài PTL tăng trần còn có AGG, CCL, KDH, NVL, QCG; ngược lại, SGR, CKG, FIR, VRE, HTN điều chỉnh.