Tin vui: Miền Bắc có thể sẽ giảm cắt điện
(Dân trí) - Nhờ có thêm 1.000 MW công suất từ 3 nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Nghi Sơn 1 và Thái Bình 2, việc cung ứng điện cho các tỉnh miền Bắc sẽ được cải thiện, đồng thời có thể giảm bớt tình trạng cắt điện.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, đến ngày 10/6 công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW. Lý do là vừa qua, một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được xử lý khắc phục. Ngoài ra, trong vài ngày qua, một số khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện.
Việc có thêm nguồn nhiệt điện 1.000 MW từ 3 nhà máy nhiệt điện trên sẽ giúp việc cung ứng điện cho các tỉnh miền Bắc được cải thiện, đồng thời có thể giảm bớt tình trạng cắt điện.
Lưới điện miền Bắc có thêm cả chục triệu kWh, giảm áp lực thiếu điện
Sáng 10/6, ông Võ Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (Tổng công ty Phát điện 1) - đơn vị quản lý, vận hành nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, cho biết, tổ máy số 1 của nhà máy bị sự cố vào ngày 5/6. Dự kiến, trong ngày 13/6, việc sửa chữa, kiểm tra thiết bị sẽ được hoàn thành để sẵn sàng vận hành.
Điều này góp phần cung cấp thêm cho lưới điện miền Bắc thêm 7 triệu kWh mỗi ngày, giảm áp lực thiếu điện đang diễn ra tại khu vực này. Tính đến ngày 10/6, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn cơ bản hoàn thành sửa chữa và sẽ triển khai vệ sinh lò để tránh các hiện tượng đóng tro xỉ.
Ngày mai (11/6), công ty sẽ kiểm tra và hàn đường ống, đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống ống sinh hơi để sẵn sàng cho ngày 13/6 tổ máy có thể vận hành trở lại.
Theo ông Hà, do không gian trong lò chật hẹp, nhiệt độ cao luôn ở mức trên 40 độ C nhất là trong những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua nên công nhân kỹ thuật luôn phải túc trực và hỗ trợ thay phiên nhau tiếp tục công việc trong lò.
"Về cung cấp nhiên liệu cho sản xuất, hiện lượng than tồn kho và lượng than do TKV cung cấp theo hợp đồng được đảm bảo nên vấn đề nhiên liệu cho sản xuất không còn là vấn đề trọng yếu hiện nay", ông Hà nói.
Trong khi đó, thông tin từ nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 cho biết sau thời gian tạm ngừng vận hành để sửa chữa, sáng 10/6, tổ máy S2 đã được khởi động trở lại và sản lượng điện cung cấp cho miền Bắc sẽ đạt 13 triệu kWh/ngày.
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cố gắng phát điện thương mại, xử lý các sự cố để đảm bảo sản xuất nhiều điện nhất cho đất nước, giảm thiểu lượng điện thiếu hụt cho miền Bắc.
Nếu nhà máy vận hành tối đa công suất cả hai tổ máy S1 và S2 thì có thể sản xuất khoảng 6 triệu kWh điện thương phẩm/tháng. Hiện tại, tổ máy S1 vận hành công suất tối ưu do sự điều độ của A0 (khoảng 520-540 MW). Tổ máy S1 đang tạm ngừng vận hành để sửa chữa, dự kiến đến ngày 11/6 sẽ vận hành trở lại.
Cũng theo Ban quản lý dự án, từ ngày hòa lưới điện đến nay, cả hai tổ máy của nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 bị 6 sự cố chính liên quan đến nhánh khói, bơm nước ngưng, rung gối trục… Đội ngũ cán bộ bảo dưỡng sửa chữa của nhà máy đã khắc phục kịp thời, đảm bảo chất lượng điện sản xuất theo điều độ của A0.
Lưu lượng nước về hồ thủy điện tăng nhưng vẫn thấp
Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, đến ngày 10/6, công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại.
Theo báo cáo nhanh của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp ngày 10/6, hiện trên cả nước, lưu lượng nước về hồ tăng so với ngày hôm qua nhưng vẫn thấp. Các hồ chứa khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam Bộ vượt qua mực nước chết, nhưng vẫn ở mực nước thấp, xấp xỉ mực nước chết.
Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, số nhà máy xấp xỉ mực nước chết tập trung khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành, khó có thể đáp ứng đươc việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.
Một số hồ xấp xỉ mực nước chết như Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp gồm Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ.
Ngày 9/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành về điện. Buổi làm việc nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/6 về việc thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023.
Đoàn thanh tra chuyên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và than.
Đoàn thanh tra cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện về mặt kỹ thuật, tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu đoàn thanh tra bắt tay ngay vào công việc từ ngày 10/6, tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong 30 ngày, kể cả ngày nghỉ.