Tin kém vui cho thị trường dầu mỏ thế giới
Nhu cầu dầu mỏ thế giới nửa cuối năm 2015 sẽ chững lại, cung vượt quá cầu khiến giá dầu thế giới đứng trước áp lực giảm giá.
TTXVN dẫn báo cáo cập nhật tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 11/6 cho biết thông tin trên.
IEA cho rằng sở dĩ nhu cầu dầu mỏ trong quý 1/2015 tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2014 là nhờ kinh tế thế giới phục hồi và mùa Đông ở châu Âu năm nay lạnh hơn năm ngoái. Ngoài ra, giá dầu thô thấp hơn cũng là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng trên toàn cầu.
Mũi bơm dầu ở bang Colorado, Mỹ |
Sau giai đoạn phục hồi trong sáu tháng đầu năm, nhu cầu dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ chỉ tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày trong sáu tháng cuối năm. Trong cả năm nay, nhu cầu dầu mỏ thế giới dự kiến sẽ là 94 triệu thùng/ngày, cao hơn 300.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra một tháng trước.
Đây là một tin kém vui đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Từ cuối năm ngoái, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã thẳng thừng từ chối cắt giảm sản lượng dầu để bình ổn giá dầu toàn cầu. Hiện các thành viên khối này vẫn duy trì công suất 30 triệu thùng/ngày để giữ nguyên thị phần theo kế hoạch của tổ chức này trên thị trường quốc tế.
Thậm chí, Saudi Arabia, thành viên "anh cả" của OPEC sẵn sàng tăng sản lượng khai thác dầu lên mức kỷ lục mới trong những tháng sắp tới. Hồi tháng 5/2015, Saudi Arabia đã tăng sản lượng dầu lửa lên mức khoảng 10,3 triệu thùng/ngày, cao chưa từng có từ trước đến nay. Các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC cũng đang tăng nguồn cung thêm 1 triệu thùng/ngày.
Những động thái trên có khả năng khiến giá dầu thế giới suy yếu và dẫn đến hiện tượng cung vượt quá cầu.
Trong khi đó, không ít nhà kinh tế vẫn cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã trải qua 8 năm nhưng chưa chắc chúng ta đã sắp bước qua một thập kỷ mất mát.
Bởi vậy, bất chấp nhu cầu dầu mỏ thế giới trong ba tháng đầu năm 2015 đã tăng ở mức cao nhất trong vòng bốn năm qua, bức tranh thị trường dầu mỏ thế giới nửa cuối năm 2015 có thể sẽ không sáng sủa như kỳ vọng.