Nga không thể lùi trong cuộc chiến giá dầu với OPEC

Mục tiêu mà Nga và OPEC nhắm đến chính là các công ty vừa và nhỏ này, chỉ cần giá dầu giảm sâu thêm là các công ty này sẽ dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Những hy vọng của các quốc gia xuất khẩu dầu lửa trên thế giới về một cú tăng giá trở lại của mặt hàng chiến lược này đã tan thành mây khói, sau khi hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên OPEC tại Vienna đã kết thúc. Tổ chức đầy quyền lực này đã quyết định vẫn sẽ giữ nguyên sản lượng khai thác hiện tại.
 
Điều này đồng nghĩa với việc cuộc chiến nảy lửa trên thị trường dầu lửa thế giới sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất là thêm vài tháng nữa, trước khi OPEC lại có cuộc họp tiếp theo. Giá dầu thế giới vì thế sẽ lơ lửng ít nhất là khoảng gần 6 tháng nữa và không ai dám chắc nó sẽ đi đến đâu. Chỉ có thể chắc chắn duy nhất một điều ở thời điểm hiện tại là, Nga và OPEC sẽ chơi cuộc chiến giá dầu này đến cùng.
 
Trước khi hội nghị các nước thành viên OPEC diễn ra tại Vienna lần này, đã có những dự đoán về việc tổ chức dầu lửa này sẽ không giảm sản lượng khai thác để đẩy giá dầu lên cao trở lại. Và dự đoán này đã đúng. Ở thời điểm hiện tại, giá dầu vẫn đang ổn định ở mức trên dưới 60 USD/thùng và mức giá này có thể tạm thời làm vừa lòng các cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Đây được xem là mức giá ổn định vừa đủ để thử thách khả năng chịu đựng của OPEC hay Nga và Mỹ. Nó không quá thấp để gây ra sự sụp đổ của ngành dầu lửa ở các quốc gia này như đã từng xảy ra với Mỹ cách đây vài tháng khi giá dầu chạm đáy ở mức dưới 40 USD/thùng. Nó cũng không quá cao để làm mờ mắt các cường quốc xuất khẩu dầu lửa tìm cách đẩy cao sản lượng một cách quá đà. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, OPEC và Nga đang có nhiều lợi thế hơn Mỹ để tiến sâu nhất có thể vào cuộc chơi.
 
Trên thực tế, giá dầu ổn định ở mức trên dưới 60 USD/thùng hiện nay đều đang kích thích mạnh khả năng sản xuất của tất cả các cường quốc xuất khẩu dầu lửa. Tính đến tháng 4/2015, sản lượng tổng cộng của OPEC đã đạt mốc 31,2 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 9/2012, đây cũng là tháng thứ 12 liên tiếp sản lượng của tổ chức xuất khẩu dầu lửa này đạt trên 30 triệu thùng/ngày. 
 
Trong đó chỉ tính riêng Arab Saudi, sản lượng của quốc gia này đã đạt mức 10,2 triệu thùng/ngày. Nga cũng không chịu kém cạnh khi đang là nước đứng đầu thế giới về sản lượng dầu lửa, đạt mức 10,7 triệu thùng/ngày. Người Mỹ cũng đang phá vỡ những kỷ lục của bản thân khi đạt mức 9,4 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ năm 1972.
 
Tuy vậy, Nga và OPEC đang được đánh giá cao hơn hẳn Mỹ về khả năng chịu đựng trong cuộc chiến dài ngày và khốc liệt này. Các tập đoàn tài chính của Mỹ ước tính giá dầu ít nhất phải đạt từ 60 – 70 USD/thùng để duy trì khả năng sản xuất của các công ty dầu Mỹ. Trong khi đó mức giá dự kiến để Nga và OPEC duy trì khả năng khai thác và tiếp tục cuộc chơi thấp hơn nhiều. Ngân sách Nga đã được thiết lập dựa trên tính toán giá dầu có thể xuống đến mức 50 USD/thùng, còn với Arab Saudi và khoảng 60 USD/thùng. 
 
Sự chênh lệch về mức giá dự kiến giữa Nga và OPEC với Mỹ này nằm ở khả năng bảo hiểm đối với ngành dầu ở mỗi quốc gia. Nền kinh tế có mức độ tập trung cao của Nga có thể chịu đựng một cú sốc giảm giá dầu trong nhiều tháng liên tục, như những gì nó đã chứng minh trong cuộc khủng hoảng giá dầu vừa qua. Arab Saudi thì có điểm tựa là quỹ dự trữ ngoại tệ lên tới 731 tỷ USD, một con số đủ lớn để quốc gia này chơi tất tay trong một thời gian dài bất kể giá dầu có thấp đến đâu chăng nữa.
 
Mục tiêu mà Nga và OPEC nhắm tới trong việc duy trì cuộc chiến này, là một bộ phận trong ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ hiện nay đang chia làm hai bộ phận, bộ phận thứ nhất là các tập đoàn và công ty lớn có nguồn vốn dồi dào và sử dụng những kỹ thuật khai thác tiên tiến nhất ở các mỏ có trữ lượng lớn nhất. Nhờ đó mà các tập đoàn và công ty lớn này có thể khai thác dầu phiến với mức chi phí thấp nhất, ước tính các tập đoàn này sẽ vẫn có lãi kể cả khi giá dầu xuống đến mức 40 USD/thùng. 
 
Bộ phận thứ hai, chiếm khoảng 30 – 50% sản lượng, là các công ty khai thác hạng vừa và nhỏ, có nguồn vốn ít ỏi và sử dụng những kỹ thuật khá cũ ở các mỏ có trữ lượng thấp. Điều này dẫ đến việc chi phí khai thác sẽ tăng cao, ước tính giá dầu phải trên 60 USD/thùng thì các công ty này mới có lãi. Mục tiêu mà Nga và OPEC nhắm đến chính là các công ty vừa và nhỏ này, chỉ cần giá dầu giảm sâu thêm là các công ty này sẽ dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi.

Ở thời điểm hiện tại, giá dầu trên thị trường thế giới được đánh giá là khá bấp bênh và không ổn định. Nó phụ thuộc một phần lớn vào việc các nhà đầu cơ trên toàn cầu đang thu mua dầu thừa để tích trữ, khiến cho giá dầu bị đẩy lên cao hơn mức giá hợp lý. Tuy nhiên, việc đầu cơ quy mô lớn này có thể dừng lại bất cứ lúc nào và đẩy giá dầu xuống đáy như những gì đã xảy ra vào 2 tháng đầu năm 2015. Đó có thể sẽ là một cú sốc thực sự với nền kinh tế thế giới nếu như xảy ra.

Theo Nhàn Đàm 
Một Thế giới/Bloomberg
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”