1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tín dụng thấp kỷ lục: Doanh nghiệp bớt lụy nhà băng?

(Dân trí) - Không tỏ ra quan ngại về tình trạng "đóng băng" khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, Standard Chartered cho rằng, đây có thể là tín hiệu đầu tiên của việc các doanh nghiệp đang giảm đòn bẩy nợ và nếu duy trì có thể giúp cải thiện sức khỏe ngành tài chính.

Theo báo cáo nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered, hiện có hai vấn đề đáng chú ý trong ngành ngân hàng Việt Nam liên quan đến tăng trưởng tín dụng và nợ xấu.

Tín dụng tăng yếu: Doanh nghiệp đã bớt phụ thuộc ngân hàng?

Về vấn đề thứ nhất, tổ chức này cho rằng, tăng trưởng tín dụng chậm lại gần đây có thể là tín hiệu đầu tiên của việc các doanh nghiệp đang giảm đòn bẩy nợ. Trong khi các đánh giá từ những chuyên gia trong và ngoài nước hầu hết lo ngại về tình trạng "đóng băng" tín dụng thì ở đây Standard Chartered lại có góc nhìn tương đối khác.

Theo đó, "việc này nếu được duy trì có thể giúp cải thiện sức khỏe ngành tài chính", các chuyên gia của tổ chức này nhìn nhận.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tính đến 20/11/2012, trong khi tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 15,98% thì dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác) ước tăng 4,15% so cuối năm 2011.

Đề cập đến vấn đề thứ hai là nợ xấu, Standard Chartered dẫn kết quả đánh giá của NHNN, hiện tỉ lệ nợ xấu đang ở mức 8 - 10% song, về mức đánh giá của thị trường, tổ chức này ghi nhận, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao hơn (15% - 20%).

Trước những tín hiệu mà Chính phủ và NHNN đã đưa ra, cho biết sẽ giải quyết được vấn đề này, chuyên gia Standard Chartered cho rằng, các tín hiệu này là rất tích cực, tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thực hiện.

Theo đó, hồi tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng đến năm 2015 và NHNN đã cam kết sẽ cắt giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% trước cuối năm 2015.

"Hạ lãi suất quá nhanh ảnh hưởng tới tín nhiệm NHNN"

Không như nhiều kỳ vọng khác cho rằng Chính phủ nên tiếp tục giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận vốn và lưu thông tín dụng thì các chuyên gia từ Standard Chartered lại khuyến nghị, NHNN nên giữ lãi suất ổn định trong suốt năm 2013 và thận trọng với rủi ro lạm phát sẽ lại tăng trên mức dự đoán.

Cụ thể, NHNN đã cắt giảm lãi suất cơ bản 5% so với đầu năm 2012 khi lạm phát đã xuống thấp và phải đối phó với tăng trưởng kinh tế suy yếu.

Song, việc cắt giảm lãi suất quá nhanh gây nên lo ngại về độ tín nhiệm của NHNN - theo Stanrd Chartered.

"Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục thận trọng duy trì lãi suất cơ bản ở mức 10% trong năm 2013 do rủi ro lạm phát cơ sở vẫn còn ở mức cao".

Tổ chức này cho rằng, điểm yếu đối với tiền đồng là nợ xấu trong các ngân hàng và độ tin cậy của chính sách thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao sẽ chỉ có thể trở thành nguy hiểm cho tiền đồng khi những khoản nợ xấu này leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng, đánh mạnh vào niềm tin vào  hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam. "Tuy nhiên, đây không phải là kịch bản mà chúng tôi dự kiến" - chuyên gia Standard Chartered cho biết.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, NHNN cần thận trọng hơn trong năm 2013 để đạt được mục tiêu lạm phát (dưới 8%) và xây dựng lại dự trữ ngoại hối trong trường hợp không có rủi ro lớn về giảm dự trữ nào phát sinh.

Tăng trưởng 2012 sẽ thấp kỷ lục 5%

Nhìn nhận về hoạt động cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Việt Nam, Standard Chartered cho rằng, đây cũng là một cách để giải quyết nợ xấu trong bối cảnh phần lớn nợ xấu liên quan đến khu vực doanh nghiệp này.

Các DNNN hiện chiếm tới 35% nền kinh tế Việt Nam song lại kém hiệu quả hơn trong việc sử dụng nguồn vốn và nhân lực đầu vào và phải chịu áp lực tái cấu trúc.

Chính phủ dự kiến thành lập một đơn vị quản lý các DNNN với mục tiêu giảm số lượng các DNNN lớn trực thuộc quản lý của Thủ tướng Chính phủ xuống dưới 10 thay cho con số 21 như hiện nay. Công tác chuẩn bị được dự kiến sẽ bắt đầu từ 2013, và nếu được triển khai đúng kế hoạch đã đề ra thì sẽ giúp tăng mức độ tín nhiệm của Chính phủ trên thị trường.

"Ngược lại, nếu việc này thất bại thì sẽ kéo theo quá trình tái cấu trúc trở nên khó khăn hơn và xếp hạng tín nhiệm có thể sẽ tiếp tục bị hạ bậc, sau khi Moody thực hiện hạ bậc tín nhiệm vào hồi tháng 9/2012" - Standard Chartered cảnh báo.

Cũng tại bản báo cáo vừa công bố, Standard Chartered hạ triển vọng tăng trưởng 2012 của Việt Nam xuống 5%, thấp hơn dự báo của Chính phủ cũng như phần lớn các tổ chức dự báo kinh tế khác. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2000 khi Chính phủ tiến hành triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ và phải đối mặt với những khó khăn trong việc quản lý các công ty có vốn sở hữu nhà nước.

Đồng thời Standard Chartered dự báo, tăng trưởng GDP năm sau sẽ phục hồi khiêm tốn ở mức 5,5%. Đầu tư và xuất khẩu là những lĩnh vực dự kiến sẽ đóng góp lớn nhất cho sự phục hồi này.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm