1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tín dụng ngân hàng sụt giảm: "Chỉ báo bất thường"

(Dân trí) - Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm hơn 1% trong quý I/2012, được coi là "chỉ báo bất thường nếu so sánh với các năm trước" - theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Tín dụng ngân hàng sụt giảm: Chỉ báo bất thường

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (ảnh: Việt Hưng).

Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế xã hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày tại kỳ họp Quốc hội sáng nay cho thấy: Kinh tế 4 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật là chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại và mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; tỷ giá ngoại tệ bình quân trên thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định…

Tuy nhiên, “khó khăn, thách thức là rất lớn với dấu hiệu suy giảm kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội nảy sinh”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh. GDP quý I tăng trưởng ở mức 4% thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây, thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5% - 6% và quý II dự kiến tăng khoảng 4,5%, do đó, báo cáo thẩm tra cho rằng “khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% của cả năm 2012”.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, thanh khoản của một số ngân hàng đã cải thiện đáng kể, thể hiện qua thị trường liên ngân hàng đã bớt căng thẳng thời gian gần đây. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ thanh khoản. Qua kênh mua ngoại tệ, NHNN đã bơm ra thị trường khoảng 130.000 tỷ đồng; đồng thời bơm ròng khoảng 30 ngàn tỷ đồng qua các kênh hỗ trợ thanh khoản và 30 ngàn tỷ đồng cho vay tái cấp vốn có mục tiêu. Trong khi đó huy động vốn từ nền kinh tế của toàn ngân hàng quý I chỉ tăng 1,56%.

Mặc dù vậy, gần 4 tháng đi qua đến ngày 20/4/2012, tổng dư nợ tín dụng vẫn còn tăng trưởng âm, chỉ số lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao, đã tác động mạnh hai mục tiêu: Rất tích cực và hiệu quả đối với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng khá ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và yêu cầu tăng trưởng hợp lý. Đến tháng 3/2012, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng ước giảm 2,13% so với tháng 12/2011. Số liệu NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng của toàn bộ hệ thống chỉ giảm hơn 1%, nếu loại bỏ yếu tố tăng trưởng ảo thì chỉ sụt giảm 0,4%. Mặc dù vậy, đây vẫn là chỉ báo bất thường nếu so sánh với các năm trước đây. Đến 20/4/2012, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,35%.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra rằng, rủi ro dư nợ xấu gia tăng và nhằm đảm bảo an toàn vốn là nguyên nhân dẫn đến chuyển dịch dòng tiền tín dụng sang các kênh đầu tư, kinh doanh an toàn hơn trong vài tháng qua như mua trái phiếu Chính phủ và tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước thay vì tăng trưởng dư nợ. Cụ thể, trái phiếu Chính phủ đã phát hành thành công 30 nghìn tỷ đồng, tín phiếu NHNN là 45 nghìn tỷ đồng và tiền gửi của các TCTD tại NHNN đạt 60 nghìn tỷ đồng, cao hơn tiền gửi dự trữ bắt buộc 15-20 nghìn tỷ đồng.

Trước thực tế trên, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều thách thức. Việc duy trì và củng cố niềm tin, kịp thời thông tin chính xác, đưa ra các tín hiệu chính sách vĩ mô đúng để định hướng thị trường và tạo điều kiện cho thị trường tự vận động theo quy luật khách quan là yếu tố quan trọng.

Hầu hết ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, cơ quan này đề nghị tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra cho năm 2012, nhưng cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động.

Các thành viên Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng nhất trí với nội dung Báo cáo của Chính phủ, chưa đặt ra yêu cầu điều chỉnh các chỉ tiêu chủ yếu nhưng đề nghị Chính phủ cần có các phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý phù hợp với diễn biến tình hình.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm