Tín dụng nền kinh tế ước tăng 2,35%
(Dân trí) - Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/9 ước tăng 2,35% so với cuối năm 2011. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 9, tín dụng ước tăng thêm gần 1%.
Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 5-8%/năm.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/9 ước tăng 2,35% so với ngày 31/12/2011. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 9, tín dụng ước tăng thêm gần 1%.
Thông tin tại cuộc họp báo cũng cho biết, cán cân thanh toán quốc tế 9 tháng ước thặng dư khoảng 8 tỷ USD, là điều kiện quan trọng để tăng dự trữ ngoại trệ cả nước.
Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ tại cuộc họp phiên thường kỳ tháng 9, thời gian qua, chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành một cách chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hoà với chính sách tài khoá, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 5-8%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; giảm dần tỷ trọng dư nợ đối với các lĩnh vực không khuyến khích.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 9 tháng đầu năm bằng 0,04% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, xuất khẩu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong khi nhập khẩu giảm mạnh và có xuất siêu 9 tháng đầu năm.
Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường giảm. Việc giảm mạnh tốc độ tăng nhập khẩu và có xuất siêu cũng góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.
Theo đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán; giữ vững sự ổn định tỷ giá; kiểm soát chặt chẽ lãi suất, không để đẩy lãi suất lên cao hơn nữa. Ngoài ra, các thành viên Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc tập trung mạnh vào xử lý dứt điểm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Hết sức lưu ý theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ để có các biện pháp kịp thời, phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết:Về kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước đã có đề án và hiện nay việc sắp xếp các ngân hàng thương mại cổ phần được xúc tiến và bắt đầu từ các ngân hàng thương mại yếu kém.Thời gian vừa qua, một số ngân hàng đã cơ bản làm được các bước sắp xếp này, tiến tới sẽ triển khai tiếp đối với một số ngân hàng khác trên cơ sở tự nguyện, theo đúng các quy định của pháp luật với mục tiêu bao trùm nhất là lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang vận hành theo tiến độ, về cơ bản phấn đấu hết năm 2013 sắp xếp xong các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.
Nguyễn Hiền