1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vốn vay đổ vào đảo nợ và... chạy lòng vòng!

(Dân trí) - Phần lớn tín dụng bơm ra trong 8 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn “dẫm chân” xung quanh mức cũ, nhưng cũng đã khá cao: khoảng 125% GDP.

TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chinh, ngân hàng đã bình luận như vậy khi nói về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp tại Diễn đàn “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Cơ hội vốn cuối năm 2012” do VCCI và báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội, sáng nay 20/9.

Năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang trong tình trạng báo động.

Năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang trong tình trạng báo động.


Doanh nghiệp có cơ hội sống sót không còn nhiều…

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi, chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho biết: Ngân hàng kêu thừa vốn nhưng thực tế doanh nghiệp cần vốn để sản xuất lại không tiếp cận được. Ông Lý chỉ ra tồn tại này là do tiếng nói giúp doanh nghiệp trong thời điểm này chưa nhiều, gói hỗ trợ, tiền từ ngân hàng chưa đến tay doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp nào đang tồn tại thì ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ, nên bỏ vốn để giúp phục hồi sản xuất kinh doanh. Như ngành chăn nuôi của chúng tôi, nếu ngân hàng không hỗ trợ sẽ bỏ chuồng hết và nếu như thế, cuối năm nay dân sẽ phải mua 100 nghìn đồng/kg thịt lợn, rồi thịt lợn nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân…”, ông Lý nói.

Còn theo đánh giá của ông Lại Văn Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Lạng Sơn, ngân hàng và doanh nghiệp chưa tìm được “tiếng nói chung” là do hệ lụy từ việc lãi suất quá cao, nên dẫn tới nợ xấu quá lớn. Do đó, dù đã có chính sách hạ lãi suất nhưng các hợp đồng cho DNNVV chưa có nhiều cơ hội tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

“Đây là một điều rất buồn đối với những DNNVV. Thêm nữa, các điều kiện của DNNVV và siêu nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Có những doanh nghiệp lập nên vì có một số tiền thừa kế, đất đai thừa kế nên lấy đó làm tài sản, trong khi điều kiện thế chấp khó và so với mức cần vốn như hiện nay thì chưa đáp ứng được”, ông Toàn chia sẻ.

Trước thực tế này, theo ông Toàn, ưu tiên hiện nay để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thực sự là thay đổi về tiêu chí cho các DNNVV, không thể áp dụng tiêu chí chung cho nhóm doanh nghiệp này. Vị đại diện này thẳng thắn nói: “Ngân hàng không nên nhìn nhận mình ở chiếu trên và gây khó cho DNNVV tiếp cận vốn. Các ngân hàng nên đi thực địa để nắm bắt và có điều kiện phù hợp cho vay vốn”.

Tham gia ý kiến tại diễn đàn, luật sư Trần Vũ Hải cho biết: “Với tư cách là luật sư, tôi cũng giúp doanh nghiệp nhiều nhưng lại rất buồn vì giúp họ làm các thủ tục để phá sản. Doanh nghiệp có cơ hội sống sót không còn nhiều, thế nên, các doanh nghiệp tồn tại đến thời điểm này rồi thì ngân hàng nên có quy định phù hợp để họ được vay vốn”.

Báo động khả năng hấp thụ vốn

Theo TS.Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính, ngân hàng, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Phần lớn tín dụng bơm ra trong 8 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn “dẫm chân” xung quanh mức cũ, nhưng cũng đã khá cao: khoảng 125% GDP.

“Sức ỳ của nền kinh tế biểu hiện rõ qua năng lực hấp thụ vốn rất yếu của doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ vốn vẫn dùng vào đảo nợ và chạy lòng vòng trong thị trường tài chính”, TS.Lai nhấn mạnh.

Thống kê trong 5 năm trở lại đây, mức tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng lần lượt là: năm 2007 tăng 51%; năm 2008: 30%; năm 2009: 37%; năm 2011: 12%. Trong khi năm 2012 tính đến ngày 20/8, tín dụng của hệ thống ngân hàng mới tăng 1,4% so với 31/12/2011. Hơn nữa, gần đây dù hàng loạt ngân hàng thương mại đã tung ra những chương trình tín dụng với lãi suất giảm cực mạnh vẫn không làm gia tăng được tín dụng một cách đáng kể và an toàn theo kỳ vọng. Vì thế, cạnh tranh trong cho vay giữa các ngân hàng thương mại cũng trở nên khốc liệt hơn.

Còn ThS. Lê Văn Hinh, Chuyên gia Tài chính, Ngân hàng cho rằng: Các động thái của doanh nghiệp gần đây cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chờ mong vào các gói cứu trợ từ Nhà nước hay mong đợi lãi suất cho vay giảm thật nhanh. Kinh nghiệm cho thấy, các gói kích thích như vậy cho dù cứu được doạnh nghiệp trong ngắn hạn và nếu doanh nghiệp không có thay đổi thì kết quả cũng không thực sự tốt.

Ông Hinh đặt câu hỏi: “Ép” lãi suất giảm nhanh có tốt? Trên góc độ kinh tế, dễ nhận thấy, nếu “ép“ lãi suất giảm xuống quá nhanh và thấp hơn mức cân bằng của thị trường thì cũng đồng nghĩa với giải pháp tập trung nguồn vốn của xã hội cho doanh nghiệp (như thời kỳ chính sách lãi suất thực âm). Cách thức này sẽ duy trì được sự tồn tại của doanh nghiệp nhưng họ sẽ lại đi theo đường cũ là đầu tư dễ dãi và như vậy đồng vốn xã hội có thể càng kém hiệu quả.

Do đó, giải pháp giảm lãi suất ở Việt Nam trong thời gian tới cần thiết đi đôi với cải cách mạnh mẽ cung cách kinh doanh ở doanh nghiệp (năng lực lập dự án kinh doanh, quản trị rủi ro, vấn đề quản trị công ty…) và đồng thời với cải cách, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Giải pháp hạ lãi suất và bơm mạnh vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần đảm bảo hài hòa giữ vĩ mô và vi mô, và đặc biệt cần có sự thay đổi tư duy và ứng xử theo cách thức cẩn trọng với đồng vốn xã hội.

An Hạ