“Tín dụng đen ở Việt Nam xấp xỉ 30% tín dụng ngân hàng”
(Dân trí) - Với tỷ lệ 30% so với tín dụng ngân hàng, quy mô tín dụng đen ở Việt Nam vào khoảng 50 tỷ USD. Nguyên nhân bùng nổ tín dụng đen chủ yếu do bên đi vay không cần phải thế chấp tài sản, còn bên cho vay thu được lãi suất cắt cổ.
Tín dụng đen chỉ là một phần trong shadow banking - vốn là hoạt động không phạm pháp.
Thông tin được TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương đưa ra tại Hội thảo “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế” tổ chức sáng nay (14/10) cho thấy, tín dụng đen hiện chiếm khoảng trên dưới 30% tín dụng chính chức của Việt Nam.
Theo đó, tín dụng đen là một phần trong khái niệm “shadow banking” (được hiểu là ngân hàng ngầm, tín dụng phi chính thức). Hệ thống ngân hàng ngầm tồn tại song song với hệ thống ngân hàng truyền thống và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo giải thích của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) Vũ Viết Ngoạn thì “ngân hàng ngầm” không hoàn toàn mang nghĩa xấu. Theo định nghĩa phổ biến trên thế giới, ngân hàng ngầm là những hoạt động được phép và giống như ngân hàng nhưng chưa nằm trong khuôn khổ giám sát quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ví dụ, hoạt động cho vay qua margin, nghiệp vụ repo của công ty chứng khoán đều là những giao dịch được phép nhưng không nằm trong hoạt động ngân hàng và chưa quản lý. Đây đều là những giao dịch “shadow banking”. Ông Ngoạn cho biết, sắp tới Ngân hàng Nhà nước hoặc Cơ quan giám sát tài chính dự kiến sẽ phải có quy định cụ thể về vấn đề này.
Còn theo phân tích của ông Con English – Ban Rủi ro thuộc Nhóm hỗ trợ giám sát, Ngân hàng Trung ương Ailen thì đây là một phân khúc thị trường có thành phần tham gia hoạt động giống như ngân hàng, trừ việc không nhận tiền gửi. Các thành phần này không bị quản lý như các ngân hàng, thậm chí, trong nhiều trường hợp hoàn toàn không bị quản lý.
Dẫn ước tính của Hội đồng Ổn định tài chính, ông Con English cho biết, ngân hàng ngầm chiếm tới 25-30% toàn hệ thống tài chính và khoảng một nửa quy mô tài sản các ngân hàng.
Trao đổi với PV Dân trí bên lề Hội thảo, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lại cho rằng, cần phải phân biệt được "tín dụng đen" và tín dụng ngoài luồng, tín dụng không chính thức (informal credit).
Theo quan điểm của ông Thành, tín dụng đen hiện được sử dụng với ý nghĩa tiêu cực, đó là những khoản cho vay với lãi suất cắt cổ, và có phần tham gia của các tổ chức tội phạm.
Do quy mô tín dụng thường tương đương với GDP của nền kinh tế. Do vậy, về tỷ lệ 30% tín dụng đen so với tín dụng chính thức, ông Thành tỏ ra băn khoăn và cho rằng, với tỷ lệ này thì quy mô tín dụng đen ở Việt Nam rơi vào con số khoảng 50 tỷ USD, là một con số quá lớn.
Theo số liệu vừa được Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố hồi đầu năm nay, quy mô của các ngân hàng ngầm (shadow banking) ở Trung Quốc đạt gần 30.000 tỷ nhân dân tệ (4.820 tỷ USD), tương đương hơn 50% GDP Trung Quốc năm 2012 là 51.930 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.340 tỷ USD). |
Vay tín dụng đen để trả lãi, trả nợ ngân hàng!
Các chuyên gia, đại biểu tham gia hội thảo đều nhìn nhận, tín dụng đen nói riêng và ngân hàng ngầm nói chung để lại những hệ lụy cho kinh tế - xã hội và cần giảm bớt, hạn chế quy mô của hình thức này.
Theo đại diện từ Ngân hàng TW Ailen, việc thắt chặt quy định trong lĩnh vực ngân hàng có thể thúc đẩy các giao dịch trong ngân hàng ngầm. Tại châu Âu, khoảng 20% các khoản nợ ngắn hạn phát hành bởi Chính phủ và khu vực doanh nghiệp, 38% nợ của hệ thống ngân hàng được nắm giữ bởi các quỹ thị trường tiền tệ.
Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, ông Con English nói, “nếu tồn tại khu vực ngầm, quý vị cần phải xem xét việc quản lý nó, nếu không, nó có thể là một nguồn thanh khoản khi lĩnh vực ngân hàng không hoạt động một cách đầy đủ”.
TS Võ Trí Thành lưu ý, ngân hàng ngầm không vi phạm pháp luật mà chỉ nằm ngoài luồng chính thức, nằm ngoài giám sát và người ta không xác định được vị trí dòng tiền.
Theo ông, số liệu này còn tiếp tục biến động theo thời gian. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây thì có vẻ như tỷ lệ này đã giảm. Nguyên nhân do thị trường khó khăn hơn, người dân cũng đã học được nhiều bài học hơn thông qua các vụ đổ vỡ tín dụng đen rúng động trên cả nước. Hơn nữa, do tín dụng đen chủ yếu chảy về bất động sản, trong khi thị trường này vẫn chưa “ấm lên” nếu không nói là còn nhiều phân khúc đóng băng. Thực tế này cũng khiến tín dụng đen thuyên giảm.
Đánh giá về hệ lụy của tín dụng đen, ông Thành nói, phần huy động này (đặt trong khái niệm ngân hàng ngầm) có những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Tác động dễ thấy nhất là việc khiến các cơ quan điều hành không kiểm soát được nguồn cung tiền, cung tín dụng một cách đầy đủ.
Hơn nữa, khi khó khăn, tín dụng đen đổ vỡ thì sẽ không chỉ dừng lại là câu chuyện kinh tế, mà còn là vấn đề lòng tin, những vấn đề quan hệ xã hội khác. Do đó, mặc dù ghi nhận một số điểm tích cực của tín dụng phi chính thức thì trong trung và dài hạn, ông Thành cho rằng, cần phải dần dần chính thức hóa được các luồng tín dụng này.
Cho rằng, tỷ lệ 30% là tương đối cao, Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, thị trường ngân hàng ngầm rất dễ gây bất ổn xã hội. Ông phân tích, khi niềm tin của người dân bị thách thức với thị trường chính thống thì họ sẽ chuyển sang thị trường đen và kích thích thị trường đen phát triển. Vấn đề phải chấn chỉnh thị trường chính thống để tạo lập lại niềm tin cho người dân, chứ không thể bằng biện pháp hành chính để giải quyết được.
Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Đức Thành lại nhìn nhận, vấn đề không nằm ở niềm tin suy giảm của người đi vay đối với hệ thống ngân hàng, mà cái chính là khó vay, thủ tục rườm ra và chủ yếu do bên đi vay không có tài sản thế chấp (sau khi đã thế chấp hết tài sản để vay ngân hàng) mới tìm đến tín dụng đen.
Hơn nữa, do tín dụng đen không có tài sản thế chấp, do đó, lãi suất cao hơn và rủi ro cũng cao hơn. Việc đòi được vốn cho vay trong tín dụng đen cũng khó khăn hơn, đó chính là nguyên nhân gây nên mất trật tự xã hội trong thời gian vừa qua.
TS Thành đề cập đến một tình trạng nguy hiểm, đó là việc các cá nhân, tổ chức vay tiền từ nguồn tín dụng đen để trả lãi, trả nợ ngân hàng. Điều này, có thể khiến nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng giảm, nhưng trên thực tế, nợ xấu của nền kinh tế không đổi, thậm chí là sẽ tăng do lãi suất tín dụng đen luôn cao hơn lãi suất ngân hàng.
Để hạn chế quy mô thị trường tín dụng đen, theo TS Nguyễn Đức Thành, ngân hàng phải rút ngắn chi phí, tăng hiệu quả trong hoạt động cho vay và bộ phận giám sát rủi ro của ngân hàng phải hoạt động tích cực.
Điều này không đồng nghĩa với việc, ngân hàng nới lỏng điều kiện vay, ồ ạt cho vay để chạy đua với thị trường tín dụng phi chính thức, mà cần phải có quan tâm, phân tích đúng mức với các đối tượng khách hàng, làm sao chi phí quản trị giữ nguyên, tính an toàn của tín dụng cao mà tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn được đẩy mạnh.
Còn nếu là những khoản vay tín dụng đen giữa các tổ chức tội phạm với nhau hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì công tác xử lý lại thuộc về cơ quan công an.
Bích Diệp