Tín dụng bước vào mùa “cao điểm”

Giải mã sức nóng của tín dụng giai đoạn giáp Tết có thể thấy, bên cạnh việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chốt đơn hàng và thanh toán thì sự “hào phóng” trong các chương trình cho vay của phía các ngân hàng cũng khiến nguồn vốn vay trở nên dễ tiếp cận hơn.

Mai Hương (25 tuổi), nhân viên một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết, trong thời gian cuối năm, việc phải về muộn hay tăng ca phê duyệt, thẩm định hồ sơ… là chuyện không thể tránh với bất cứ ai khi thị trường bước vào mùa cao điểm.

Theo đó, giai đoạn giáp Tết luôn là thời điểm “nóng” của tín dụng. Việc huy động vốn lẫn công tác cho vay đều trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết và do đó, nhân viên ngân hàng cũng phải chạy đua với công việc để đáp ứng tiến độ.

Tín dụng bước vào mùa “cao điểm” - 1

Giai đoạn này, các doanh nghiệp thường chốt đơn hàng và lượng tiền mặt cần để thanh toán hợp đồng lẫn chuẩn bị lương thưởng cho nhân viên là rất lớn. Bên cạnh đó, cũng có những nhu cầu khác như mua sắm trang thiết bị, sửa sang phòng ốc… của cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Một nguyên nhân khác cũng góp phần giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm xuất phát từ chính các ngân hàng. Dường như trong giai đoạn này, bên cho vay cũng trở nên “hào phóng” hơn với khách hàng thông qua hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi lẫn khuyến mại quy mô lớn.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, ngân hàng này vừa ra mắt sản phẩm cho vay mua ô tô mới siêu tốc dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Điểm chính của chương trình này là thời gian thẩm định và phê duyệt khoản vay nhanh, tối đa chỉ trong vòng 48 giờ (2 ngày làm việc), sản phẩm cho vay mua ô tô mới siêu tốc dành cho khách hàng doanh nghiệp của VIB còn đáp ứng tối đa nhu cầu vốn mua xe của doanh nghiệp với tỷ lệ cho vay lên đến 80% giá trị xe. Khi tham gia sản phẩm này, các doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng cân đối tài chính hơn với thời hạn vay linh hoạt có thể lên đến 60 tháng.

Trong dịp này, VIB áp dụng lãi suất ưu đãi 6,99%/năm trong 6 tháng đầu của các khoản vay mới từ nay đến 31/3/2016, vị đại diện này cho biết thêm.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9/2015, dư nợ tín dụng đối với toàn nền kinh tế ở mức hơn 4,45 triệu tỷ đồng, tăng 12,12% so với cuối năm 2014.

Và với tốc độ này, ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dự báo, cả năm 2015 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 18%.

Trước đó, hồi tháng 7, NHNN đã phải chấp thuận cho 18 tổ chức tín dụng được nới room tín dụng, trong đó một số ngân hàng thậm chí được nâng lên mức 30%-35%.

Đến hết tháng 9, dư nợ đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là hơn 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2014. Riêng dư nợ tín dụng cho xây dựng đạt 435.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,29% so với cuối năm 2014.

Dư nợ tín dụng đối với các hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông ở mức gần 939.000 tỷ đồng, tăng 7,16% so với cuối năm 2014. Riêng tín dụng đối với hoạt động dịch vụ khác đạt mức tăng trưởng 18,74% với dư nợ hơn 1,54 triệu tỷ đồng.

P.V