Tín đồ hàng hiệu giật mình vì quần áo chứa độc

Một số nhãn hàng hiệu đã lên tiếng, cam kết sẽ loại bỏ chất độc ra khỏi quy trình sản xuất.

Sau khi Tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh) công bố báo cáo “Quần áo bẩn 2” cho thấy 14 thương hiệu quần áo hàng đầu có sử dụng chất gây vô sinh, nhiều nhà hoạt động xã hội ở Hong Kong đã tập trung trước cửa hàng Adidas yêu cầu nhãn hiệu này loại bỏ các chất độc trong sản phẩm và thúc giục người tiêu dùng hãy “suy nghĩ lại”.
 
Tín đồ hàng hiệu giật mình vì quần áo chứa độc - 1
(Ảnh minh họa)

 

Hàng chục nhà hoạt động xã hội Greenpeace mặc quần áo trọng tài khuấy động một trong những cửa hàng đắt khách nhất của Adidas ở một thành phố ở phía nam Trung Quốc. Họ phát tờ rơi để cảnh tỉnh các tín đồ của hàng hiệu, trong khi giơ thẻ vàng cảnh cáo về phía các nhân viên bán hàng, nhắc nhở nhãn hàng này cần phải “gột rửa”.

 

Hồi tháng trước, Tổ chức Greenpeace cũng công bố một báo cáo “Quần áo bẩn” chứng minh các nhà dệt may lớn đã thải chất thải độc hại ra nước sông ở Trung Quốc.

 

Báo cáo này được đưa ra sau 1 năm nghiên cứu về thành phần nước thải từ các xưởng gia công tại Trung Quốc của những hãng thời trang danh tiếng như Nike, Adidas, Li Ning, Puma, Lacoste, Converse, CK, Cortefiel…

 

“Tám mẫu nước thải từ hai nhà máy ở khu vực sông Dương Tử và vùng châu thổ (sông) Châu Giang, nguồn nước sinh sống chính của khoảng 67 triệu người, có chứa một hỗn hợp các chất hóa học nguy hiểm” - báo cáo của Greenpeace nêu rõ.

 

Phát ngôn viên của Greenpeace Vivien Yau cho hay các hãng Puma (ngày 15/7), và Nike (ngày 18/8) đã cam kết sẽ loại bỏ hoàn toàn những hóa chất độc hại ra khỏi quy trình sản xuất đến năm 2020. Ngoài ra, Nike còn cho biết trong vòng 2 tháng tới sẽ công bố một bản kế hoạch cụ thể về việc thực hiện cam kết.

 

Tuy nhiên, Adidas lại chưa có động tĩnh gì.

 

Hiện Adidas Hong Kong vẫn chưa có phản hồi nào về yêu cầu mới nhất đến từ các nhà hoạt động Greenpeace. Tuy nhiên, công ty này trước đó khẳng định rằng họ đã có chính sách loại bỏ các chất độc trong quá trình sản xuất, và họ sẽ điều tra lại các kết luận của Greenpeace.

 

Theo Đỗ Quyên

NLĐ/Asiaone