Hàng hiệu đua nhau "đào mỏ" dân chơi
Nhiều nhãn hàng cao cấp từ châu Âu, châu Mỹ đang lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán châu Á, đặc biệt là Hong Kong để khai thác thị trường béo bở này và thu hút thêm nhiều khách hàng khi nhu cầu đồ xa xỉ tại châu lục tăng chóng mặt.
Năm ngoái, hãng mỹ phẩm hàng đầu của Pháp L’Occitane đã huy động được số vốn trị giá hơn 700 triệu USD từ Hong Kong. Tháng một năm nay, đến lượt Prada thông báo sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tranh thủ ‘hút’ vốn nhờ mác hàng hiệu
Trong tháng 5 vừa qua, nhà sản xuất túi xách Mỹ Coach cũng tuyên bố cổ phiếu của họ có thể sẽ được giao dịch tại khu vực phía Bắc Trung Quốc vào cuối năm nay. Họ kỳ vọng kế hoạch này sẽ làm tăng uy tín trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Samsonite, nhà sản xuất túi để hành lý cao cấp nổi tiếng cũng bày tỏ hy vọng đợt phát hành cổ phiếu tới của mình sẽ thu được khoảng 1,5 tỷ USD.
Theo hãng kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers, với nền kinh tế đang phát triển chóng mặt như hiện nay, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm như mỹ phẩm, túi xách, đồng hồ, giày dép và quần áo lớn nhất thế giới vào năm 2015.
Trào lưu niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong của các nhãn hiệu nổi tiếng đang được đề cập rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như bảng tin đường phố hay các báo in để khuấy động sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân.
Theo ông Aaron Fischer, nhà phân tích tiêu dùng tại công ty môi giới CLSA niêm yết tại thị trường châu Á là một cách để gia tăng độ nhận biết cho thương hiệu, vì các công ty này có tới hơn một nửa doanh thu là từ lục địa này.
Theo báo cáo của tập đoàn tư vấn Boston, sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường Trung Quốc đã tạo ra hơn 1,1 triệu hộ gia đình có số tài sản trị giá 1 triệu USD. Lượng của cải dồi dào đó cũng thu hút các nhà sản xuất máy bay riêng và các nhà đấu giá danh tiếng thế giới như Sotheby và Christie đến với Trung Quốc.
Liu Qiao, giáo sư bộ môn tài chính tại Trường quản lý Guanghua, ĐH Peking, cho biết: “Niêm yết tại Hong Kong sẽ giúp Prada và Coach tiếp cận thị trường vốn dồi dào ở châu Á.
Nhà phân tích tiêu dùng Jonathan Galaviz phát biểu trên AFP rằng: “Châu Á là thị trường có tính thanh khoản lớn mà bất kỳ công ty nào có hoạt động tại đây cũng đều muốn niêm yết. Và do vậy, các nhà bán lẻ toàn cầu nên quan tâm đến khách hàng tại châu Á nhiều hơn nữa”.
‘Trưởng giả học làm sang’
Trong cuốn sách The cult of the luxury brand (Tình yêu hàng hiệu), hai tác giả Radha Chadha, Paul Husband đã cho biết châu Á là nơi chiếm một nửa doanh số của toàn ngành công nghiệp hàng hiệu trị giá gần 100 tỷ USD. Không ở nơi nào khác trên thế giới, hàng hiệu lại có sức mạnh lớn như ở châu Á, nơi trang phục nói rất nhiều điều về bản thân bạn.
Theo một nghiên cứu thị trường của Công ty Synovate, dân châu Á “chịu chơi” hơn rất nhiều so với người tiêu dùng phương Tây khi nhắc đến chuyện đồ hiệu. Tại Hong Kong, 68% những người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ thích một món hàng có thương hiệu tên tuổi hơn và không chấp nhận đồ nhái. “Người Trung Quốc muốn ai cũng biết họ xài đồ thật chứ không phải đồ nhái”, Giám đốc điều hành của Synovate, Jill Telford giải thích.
Bà Telford nhận định do hầu hết triệu phú ở Trung Quốc mới xuất hiện trong một hai thập niên gần đây nên thường có khuynh hướng chứng tỏ đẳng cấp của mình hơn. Thống kê của khu nghỉ dưỡng, sòng bạc Wynn Macau xác nhận: có đến 90% khách hàng mua các nhãn hiệu sang trọng và nổi tiếng đến từ Trung Quốc đại lục.
Tại Mỹ, khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ cảm thấy tội lỗi khi mua hàng hiệu. Ngược lại, tại Ấn Độ, người tiêu dùng mô tả hàng xa xỉ là “chất lượng” và “sành điệu”. Gần 2/3 số người Ấn Độ được hỏi nói không hề cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền vào hàng hiệu. Mặc dù là một quốc gia còn nghèo khó, nhiều người Ấn Độ có khuynh hướng coi hàng hóa xa xỉ là một dấu hiệu của tăng trưởng kinh tế hơn là sự lãng phí, theo lời Mick Gordon thuộc văn phòng Ấn Độ của Synovate.
Người Việt Nam cũng không nằm ngoài “cơn cuồng” hàng xa xỉ này. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng năm, số lượng hàng hóa cao cấp về Việt Nam, số lượng hãng tham gia thị trường Việt Nam sẽ ngày một nhiều lên. Đây chính là một yếu tố không nhỏ làm chỉ số nhập siêu của Việt Nam tăng đều hàng năm cho dù Nhà nước đã điều chỉnh bằng nhiều biện pháp.
Dù giá cả hàng hóa leo thang khiến nhiều người dân phải tiết kiệm chi tiêu nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ người Việt dường như không bị cơn bão giá tác động. Một nhân viên bán hàng ở khách sạn Metropole cho biết, những hóa đơn mua túi xách, ví, đồ phụ kiện trên 10.000 USD là chuyện… thường ngày.
Không những vậy, nhiều người “nghiện” đến mức tổ chức các chuyến đi mua sắm hàng hiệu tại châu Âu, nơi được cho là “rẻ nhất” để mua hàng cao cấp, đặc biệt với việc hoàn thuế 7 – 10% cho khách du lịch.
Sức mua của những khách du lịch kiểu này lớn đến nỗi, cách đây vài năm, các cửa hiệu Louis Vuitton tại Pháp đã ra chính sách, mỗi khách du lịch, tương ứng với mỗi visa chỉ được mua một món đồ tại một cửa hàng. Quy định này chủ yếu nhằm vào khách du lịch châu Á, nơi thuế đánh vào hàng xa xỉ cao và người dân đặc biệt yêu thích hàng hiệu.
Đất Việt