1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đà Nẵng:

Tiểu thương lao đao vì nâng cấp siêu thị

(Dân trí) - Từ khi UBND TP Đà Nẵng có quyết định giao khu A Siêu thị Đà Nẵng cho Công ty Cổ phần Bài Thơ quản lý và khai thác thì các tiểu thương đang kinh doanh tại đây phải bán đổ, bán tháo hàng để trả lại mặt bằng cho việc nâng cấp, sửa chữa.

Khu A lao đao bán tháo hàng

Nhận được thông tin từ ngày 20/10/2008, Siêu thị Đà Nẵng sẽ ngừng hoạt động ít nhất 3 tháng để đơn vị chủ quản tiến hành cải tạo, nâng cấp, các tiểu thương ở đây đã thi nhau bán đổ, bán tháo hàng trước khi siêu thị ngừng hoạt động.

Tâm lý chung của các hộ kinh doanh ở đây là bán được từng nào hay từng đó miễn hết là được vì thế các cửa hàng chạy đua giảm giá từng giờ. “Biết giảm giá từ 30 - 70% là lỗ nặng nhưng nếu không giảm thì không ai mua, còn chết nữa” - chị Hoa, một hộ kinh doanh quần áo ở khu A thở dài.

Mặc dù đồng tình với chủ trương của thành phố nhưng điều khiến tiểu thương lao đao là thời điểm Công ty Cổ phần Bài Thơ tiến hành nâng cấp siêu thị lại ngay vào mùa cận tết, mùa buôn bán được nhất trong năm.

Phải bán đổ, bán tháo hàng ngay mùa thu lãi các tiểu thương khu A “méo mặt” nhưng vẫn phải chọn giải pháp duy nhất này. Chưa kể, mùa bận rộn lại ra mùa thảnh thơi vì hàng trăm tiểu thương khu này “bị nghỉ” vài ba tháng chờ nâng cấp siêu thị.

Khu B ế ẩm “vạ lây”

Mọi khó khăn tưởng chỉ “đổ đầu” tiểu thương khu A, thế nhưng từ khi khu A ngừng hoạt động thì hàng trăm hộ kinh doanh ở tầng lửng và tầng 2 của khu B cũng “vạ lây” bởi người bán thì nhiều mà người mua chẳng thấy.

Có mặt tại khu B vào ngày 30/10 chúng tôi thấy không khí nhộn nhịp của người mua kẻ bán đã không còn, thay vào đó là cảnh vắng hoe của các gian hàng.

Tiểu thương lao đao vì nâng cấp siêu thị - 1
  

Buôn bán ế ẩm, một số hộ kinh doanh đóng của luôn.   

Ế ẩm, chị em tiểu thương tụ tập nhau than ngắn thở dài: “Tình cảnh ni không biết làm răng đây. Chẳng khác chi hồi siêu thị mới mở, không mấy người biết tới khu B ni, vắng thanh vắng lạnh người ri đây”.

Được một mối khách hiếm lạc chân vào siêu thị, các tiểu thương bán hàng quần áo nhanh nhảu tản về gian hàng nài mua nồng nhiệt. Tuy nhiên ở đó nhiều chủ hàng hết kiên nhẫn đã phải đóng cửa nghỉ hẳn.

Nguyên nhân khách “hờ hững” khu B khiến khu này rơi vào tình cảnh “ế ẩm chưa từng thấy” do trước đây hầu như người mua đều có thói quen đi cửa trước của siêu thị để vào khu A rồi đi sang khu B.

Thế nhưng từ khi khu A ngừng hoạt động thì lối đi từ khu A sang khu B bị đóng lại. Muốn vào mua sắm tại khu B, khách phải đi vòng ra cửa sau theo lối khu chợ thực phẩm tươi sống ở tầng trệt sau lưng siêu thị.

Phần không có thói quen, phần ngại lội vào khu chợ búa lầy lội, lại đậm mùi tanh hôi của khu chợ thủy hải sản nên khách có nhu cầu mua sắm quần áo, mỹ phẩm hầu như “lơ” luôn siêu thị Đà Nẵng.

“Hàng tết đã nhập về, toàn là hàng nợ, phải ra mùa, thu vốn, có lãi mới trả gối đầu vậy mà bây giờ không biết làm sao” - trong khi tiểu thương khu A phải bán đổ bán tháo hàng thì tiểu thương khu B cũng thở dài ngán ngẩm.

Khánh Hiền - Khánh Hồng