TPHCM:

Tiểu thương bán cá, bán rau bị “ép” làm... giám đốc

(Dân trí) - Hàng chục tiểu thương kinh doanh ở quận 12, TPHCM vừa gửi đơn kiện Ủy ban nhân dân quận này ra tòa vì “ép” họ làm... giám đốc và liên tục gây khó khăn cho công việc kinh doanh của họ.

Thời gian qua, trên tuyến đường TTH02, P.Tân Chánh Hiệp và đường TTN8, P.Tân Thới Nhất của quận 12 (TPHCM) mọc lên hàng chục doanh nghiệp tư nhân. Tiền thân của các doanh nghiệp này là những hộ kinh doanh cá thể chuyên buôn bán các mặt hàng như: rau, củ, quả, tôm, cá thịt, ốc, cua; quần áo, ổ khóa… Nay các tiểu thương này đã “nâng cấp” lên thành công ty tư nhân nhưng các mặt hàng buôn bán và hình thức kinh doanh của họ không có gì thay đổi. Giám đốc tại gia kiêm luôn nhân viên bán rau quả, vẫn kỳ kèo từng đồng với người mua, là hình ảnh diễn ra thường ngày ở các tuyến đường này.
 
Tiểu thương bán cá, bán rau bị “ép” làm... giám đốc - 1
Doanh nghiệp mọc lên như nấm trên “con đường doanh nghiệp”

Khi nhắc đến chức danh giám đốc, anh Nguyễn Hùng Sang, Giám đốc DNTN Hùng Cẩm, cười khẩy. “Là giám đốc bất đắc dĩ thôi anh ơi”. Doanh nghiệp của anh có vốn 50 triệu đồng, chỉ bán lẻ rau quả tươi, thịt gia súc, gia cầm… Không phải riêng anh Sang, trên tuyến đường này có đến hơn 20 hộ buôn bán nhỏ lẻ đều phải trở thành giám đốc bất đắc dĩ như vậy. Chính vì vậy, người dân nơi đây gọi con đường TTH02 và TTN8 bằng cái tên mỹ miều là “con đường doanh nghiệp”.

Theo các tiểu thương, lý do đưa đẩy họ thành giám đốc xuất phát từ những quy định “không vì lợi ích người dân” của quận 12. Khi quận chủ trương mở rộng các tuyến đường, nhiều hộ dân sống bằng nghề buôn bán lẻ các mặt hàng nông sản, thực phẩm như: thịt, cá, rau, củ, quả… dọc theo hai bên con đường này đã tự nguyện hiến đất của mình. Chính vì vậy mới có con đường rộng, khang trang như ngày nay.

Năm 2010, UBND quận 12 có chủ trương dẹp buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường. Chấp hành chủ trương của quận, những hộ kinh doanh rau quả này đưa hàng hóa vào nhà bán nhưng vẫn bị đội trật tự đô thị của phường thu gom hàng hóa đi hết. Mặt khác, các tiểu thương cũng đã làm cam kết với công an phường nếu lấn chiếm lòng lề đường thì sẽ chịu hình thức phạt hành chính 20 triệu đồng để tiếp tục được buôn bán trong nhà. Thế nhưng, quận 12 vẫn phớt lờ nguyện vọng đề đạt này của người dân.

Hàng ngày, dân phòng, đô thị, công an cứ rà rà trước các cửa hàng. Khách vào mua, dựng xe thì bị lập biên bản vì đỗ xe không đúng chỗ… nên dần dần các cửa hàng trở nên vắng khách, ế ẩm. Quá bức xúc, các tiểu thương phản ứng thì chính quyền cho biết muốn hoạt động thì phải có giấy phép kinh doanh.

“Thấy mình chỉ buôn bán rau, quả mà xin giấy phép kinh doanh, nghe oai oai nhưng cũng quá kỳ quặc, các tiểu thương chúng tôi lên quận xin giấy phép hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhưng mà quận không chịu cấp”, giám đốc Trần Hùng Phương, DNTN Phương Loan tâm sự. Khi quận nói “không” buộc lòng các tiểu thương phải lên tận Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM để xin cấp phép thành lập doanh nghiệp tư nhân. Và hiển nhiên, họ trở thành giám đốc…
 
Tiểu thương bán cá, bán rau bị “ép” làm... giám đốc - 2
Các giám đốc bất đắc dĩ đau đầu với các loại thuế

Các doanh nghiệp không chỉ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà còn được Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm của Sở Y tế TP HCM cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, hàng ngày, các doanh nghiệp này vẫn bị “người của phường, quận” xuống tận nơi làm khó dễ, ngăn cản các hoạt động kinh doanh…

Các giám đốc ở đây cho biết, họ đã đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của quận, nhưng vẫn bị làm khó, khiến họ không yên tâm làm ăn, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Chưa hết, từ ngày bị “nâng cấp” lên thành doanh nghiệp, những hộ dân ở đây phải chịu đủ các khoản thuế: thuế doanh nghiệp, thuế môn bài, lệ phí quản lý hành chính... rồi đến chi phí thuê mặt bằng, tiền chi tiêu… tăng cao, khiến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Sau nhiều tháng bị chính quyền địa phương buộc đóng cửa, mất thu nhập, nhiều hộ gia đình đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chị N.T.T.V chủ doanh nghiệp bán trái cây than rằng: “Từ khi bị cấm bán, vợ chồng tôi phải vừa bán vừa chạy, nên thu nhập giảm đến 70%, mỗi ngày chỉ được từ 30 - 40.000 đồng. Xưa nay chúng tôi chỉ có nghề buôn bán này, giờ đây mà bị cấm thì biết sống sao đây?!”.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho rằng việc cấp phép của Sở căn cứ trên hồ sơ doanh nghiệp đưa lên. Xét thấy hồ sơ hợp lệ thì cấp phép kinh doanh chứ Sở không biết quy định của quận. Để giải quyết việc cấp phép “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này, Sở sẽ làm việc với quận 12 để tìm hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp, không để xảy ra trường hợp một bên cấp phép còn một bên không cho hoạt động.

Trong khi đó, hàng chục giám đốc doanh nghiệp tư nhân đã có đơn khởi kiện UBND quận 12 ra tòa. Nội dung đơn kiện yêu cầu UBND quận 12 chỉ đạo các cơ quan liên quan chấm dứt ngay các hành vi cản trở việc kinh doanh đúng pháp luật của doanh nghiệp.
 
Chiều 10/5, trao đổi qua điện thoại với Dân trí, ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Chủ tịch UBND quận 12 - cho biết đã nắm toàn bộ sự việc nhưng do đang tiếp xúc cử tri nên hẹn sẽ sắp xếp lịch và làm việc với phóng viên trong tuần sau. Xin nói thêm rằng đây là lần thứ 3 vị lãnh đạo quận này lùi lại thời gian hẹn với phóng viên.

Công Quang