Đắk Nông:
Tiêu hủy hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
(Dân trí) - Chiều 31/5, thông tin từ Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho biết, Hội đồng tiêu hủy hàng hóa tịch thu tỉnh này đã tiến hành tiêu hủy gần 50 loại sản phẩm hàng hóa tang vật tịch thu do vi phạm hành chính.
Các sản phẩm bị tiêu hủy đều mang nhãn mác các loại mặt hàng nổi tiếng như: Bột giặt Omo; thuốc lá 555, Jet; cà phê bột chồn Trùng Dương; bột ngọt Ajinomoto; mỹ phẩm; mỳ tôm Hảo Hảo; rượu ngoại, ngũ cốc, sữa bột, gia vị ướp nướng, bánh trung thu...
Theo đó, cuối tháng 4/2017, Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Quản lý thị trưởng tỉnh Đắk Nông) trong quá trình đi kiểm tra phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát Đắk Nông đang vận chuyển 543 gói bột ngọt Ajinomoto dừng bán tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Trong lúc kiểm tra Đoàn còn phát hiện chiếc xe đang vận chuyển 96 gói bột giặt Omo giả mạo bao bì. Toàn bố số hàng hóa trên đều không có chứng từ, xuất xứ rõ ràng, có dấu hiệu là hàng giả nên lực lượng chức năng đã lập hồ sơ tạm giữ xe và số lượng hàng hóa giả.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 3 cũng phát hiện một chiếc xe mang biển kiểm soát Đắk Lắk vận chuyển 440 gói cà phê bột loại 500g mang nhãn hiệu Chồn Trùng Dương, có địa chỉ ghi trên bao bì hàng hóa 144 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, Đăk Lắk nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo. Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện để xác minh làm rõ.
Kết quả xác minh cho thấy, địa chỉ ghi trên bao bì là nhà dân, không hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê bột nhãn hiệu Chồn Trùng Dương. Tài xế vận chuyển lượng cà phê trên cho biết, ông mua của một số người dân trên địa bàn để đi bán lại kiếm lời và thừa nhận địa chỉ ghi trên nhãn bao bì hàng hóa là không có thật (hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ).
Các sản phẩm khác bị cơ quan chức năng tịch thu do các đơn vị, có sở kinh doanh, lưu giữ nhưng không có hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị các sản phẩm bị tiêu hủy là khoảng 120 triệu đồng.
Dương Phong