Tiết lộ thời điểm cổ phiếu FLC, ROS được giao dịch trở lại

Văn Hưng

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết khi nào FLC khắc phục được những vi phạm và nếu có nguyện vọng, sẽ được xem xét để niêm yết giao dịch trở lại.

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, báo chí đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc làm giá chứng khoán, thao túng, lừa đảo của lãnh đạo FLC khi gây nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường thời gian qua.

Việc làm giá trên thị trường chứng khoán của FLC đã gây hệ lụy lớn. Vậy trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán, như thế nào? Cần làm gì để tránh sai phạm tương tự? Quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng như thế nào khi 2 cổ phiếu FLC và ROS bị hủy giao dịch? Cần điều kiện gì để 2 cổ phiếu này được giao dịch trở lại?

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trước khi vào họp báo, ông đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an với những vụ việc đang trong quá trình điều tra thì sẽ để cho cơ quan công an tiến hành điều tra.

"Khi có kết luận điều tra sẽ công bố công khai. Khi đó sẽ làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan, kể cả tập thể, cá nhân của cơ quan quản lý Nhà nước. Bộ Tài chính sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và Bộ Công an để thực hiện trách nhiệm của mình trong quá trình điều tra vụ án", Thứ trưởng nói.

Tiết lộ thời điểm cổ phiếu FLC, ROS được giao dịch trở lại - 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: VGP).

Thứ hai, cần làm gì để phòng ngừa hiện tượng tương tự, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã có Chỉ thị 02 đưa ra một loạt giải pháp. Chỉ thị nêu rõ từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đến giám sát, kiểm tra các giao dịch chứng khoán…

Về điều kiện để hai cổ phiếu ROS, FLC được giao dịch trở lại, ông Chi cho hay khi doanh nghiệp khắc phục các vị phạm và có nguyện vọng, sẽ được xem xét niêm yết, giao dịch trở lại theo quy định của pháp luật.

Cụ thể ở đây, FLC có báo cáo kiểm toán 2021, 6 tháng năm 2022, tổ chức đại hội cổ đông theo quy định. Cổ phiếu ROS vì không có báo cáo kiểm toán, không tổ chức đại hội cổ đông nên bị hủy niêm yết.

"Khi nào doanh nghiệp này khắc phục được những vi phạm và nếu có nguyện vọng, sẽ được xem xét để niêm yết giao dịch trở lại theo quy định của pháp luật", ông Chi nói.

Về việc quyền lợi nhà đầu tư ảnh hưởng thế nào, tất nhiên khi hủy giao dịch, nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, muốn bán không bán được trên thị trường nữa, rất khó khăn.

"Với trách nhiệm, vì mình sở hữu cổ phiếu, là cổ đông của các doanh nghiệp này thì trách nhiệm của nhà đầu tư là phải có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm đó, sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.