Tiếp tục phân loại, nhận diện nhóm nhà băng yếu kém
(Dân trí) - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ tiếp tục đánh giá, phân loại và nhận diện nhóm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro trên cơ sở số liệu giám sát, kết quả thanh tra và kiểm toán độc lập …
Trước thềm kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra vào cuối tháng 10 tới, trả lời ý kiến của đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên về việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đối với các tổ chức tín dụng và tốc độ xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: Thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015, mức độ an toàn của các TCTD đã được cải thiện đáng kể, giảm bớt số lượng TCTD nhỏ, yếu kém và hình thành một số ngân hàng thương mại (NHTM) có quy mô lớn hơn, có khả năng cạnh tranh mạnh hơn, đặc biệt tăng cường được quy mô và vị trí chi phối của các NHTM Nhà nước trong hệ thống ngân hàng.
Đến nay, số lượng TCTD giảm đi 7 tổ chức (5 NHTM cổ phần và 2 TCTD phi ngân hàng) thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; thu hồi giấy phép 02 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được chuyển đổi hình thức; Quỹ tín dụng nhân dân được chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai tiến trình cơ cấu lại các TCTD theo hướng đánh giá, phân loại và nhận diện nhóm các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro trên cơ sở số liệu giám sát, kết quả thanh tra và kiểm toán độc lập để có các biện pháp cơ cấu lại phù hợp, kịp thời.
Cùng với đó là giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các TCTD đã được phê duyệt Phương án cơ cấu lại, đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình, mục tiêu và các giải pháp đã được phê duyệt; kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để hỗ trợ TCTD triển khai cơ cấu lại. Chỉ đạo các TCTD triển khai cơ cấu lại theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đề ra; kiên quyết áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để triển khai thành công Đề án cơ cấu lại.
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại tài chính của TCTD, tăng quy mô, chất lượng vốn tự có của TCTD. Tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro, kém hiệu quả; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng; Kiểm soát quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực quản trị và tài chính của TCTD…
NHNN sẽ tiếp tục tập trung xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến sở hữu chéo, đầu tư chéo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu vốn điều lệ, việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phiếu, việc cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cho phép NHNN tiếp nhận phần vốn thoái của Doanh nghiệp Nhà nước tại TCTD nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các TCTD, đồng thời, góp phần xử lý vấn đề sở hữu chéo của TCTD.
Về vấn đề xử lý nợ xấu, theo đánh giá của NHNN, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, nợ xấu đã được kiềm chế và có xu hướng giảm. Nợ xấu của toàn hệ thống tăng gần như liên tục trong 10 tháng đầu năm 2013 nhưng đã giảm mạnh trong tháng 12/2013 nhờ các TCTD tích cực xử lý bằng dự phòng và bán nợ cho VAMC. Đến cuối tháng 12/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 116,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,61% tổng dư nợ tín dụng.
Do những khó khăn của nền kinh tế và biện pháp thắt chặt các điều kiện cơ cấu lại nợ theo Thông tư số 09, nợ xấu những tháng đầu năm 2014 có xu hướng tăng trở lại trong khi dư nợ tín dụng giảm nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ tín dụng tăng lên mức 4,03% (cuối tháng 4/2014), tăng 12,8% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, so với cùng kỳ các năm trước đây, tốc độ tăng của nợ xấu đã có xu hướng giảm dần (4 tháng đầu năm 2011, 2012 và 2013 tăng lần lượt là 31,8%, 36,2% và 15,8%) cho thấy nợ xấu tiếp tục được kiềm chế.
Theo số liệu do các TCTD báo cáo đến cuối tháng 4/2014, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 4 tháng đầu năm 2014 đạt 16.727 tỷ đồng, (trong khi tổng nợ xấu được xử lý năm 2013 là 97,7 nghìn tỷ đồng, năm 2012 là 69 nghìn tỷ đồng); đến cuối tháng 3/2014, tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ (thực hiện theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN) là 312,9 nghìn tỷ đồng, giảm 13,1% so với tháng 12/2013.
Như vậy, sau nhiều năm tăng liên tiếp với tốc độ khá lớn, tốc độ tăng của nợ xấu toàn hệ thống TCTD đã bắt đầu giảm, đây là tín hiệu tích cực thể hiện sự nỗ lực của ngành ngân hàng nói chung, từng TCTD nói riêng trong việc hạn chế và xử lý nợ xấu. Nợ xấu giảm chủ yếu do các TCTD xử lý mạnh bằng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh nỗ lực và hiệu quả của các giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng triển khai trong thời gian qua trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và áp lực nợ xấu còn lớn.
Nguyễn Hiền