Tiếp tục “bất phân thắng bại” về đường bay vàng
(Dân trí) - Chưa thể “chấm dứt hẳn” như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), 2 luồng ý kiến “mặt trăng - mặt trời” tiếp tục bất phân thắng bại tại Hội thảo khoa học “Hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM theo kinh tuyến 106 độ đông” ngày 6/12.
Hội thảo do Hiệp hội kinh tế Việt Nam đứng ra tổ chức cho thấy 2 luồng ý kiến khác biệt giữa một bên là cựu phi công Mai Trọng Tuấn - người đề xuất ra phương án “đường bay vàng”, ông Trần Đình Bá - người có ý tưởng thách cược 5 triệu USD với Cục Hàng không cùng một số nhà khoa học với quan điểm đường bay vàng có hiệu quả kinh tế lớn.
Thẳng luôn ngắn hơn vòng!
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn nêu câu hỏi nghi ngờ sự “bất nhất” của Cục Hàng không và Bộ GTVT khi 3 lần đưa ra 3 con số khác nhau về số km tiết kiệm được của “đường bay vàng” so với đường bay hiện tại.
Ông Tuấn tái khẳng định: phương án đường bay theo kinh tuyến 106 độ đông tiết kiệm được 142 km so với đường bay hiện tại, giảm được 12 phút bay tương đương gần 1.500 lít nhiên liệu và số tiền là 30 triệu đồng/chuyến (giảm 550 tỷ đồng/năm với tần suất bay như hiện nay).
Các ông Mai Trọng Tuấn và Lại Xuân Thanh (từ trái qua) tranh luận trực tiếp.
Cựu phi công Tuấn cũng nhấn mạnh, báo cáo của Bộ GTVT lên Thủ tướng là phức tạp hóa vấn đề về an ninh quốc phòng và điều kiện bay.
“Với tư cách là một người lái trưởng máy bay vận tải, chở hành khách đã từng bay nhiều năm với nhiều loại máy bay cũ của Liên Xô, Mỹ, chỉ cần có đài định vị thiết bị cũ tôi và đồng nghiệp đều có khả năng thực hiện mà không cần những thiết bị dẫn đường, quản lý bay ngầm…”, ông Tuấn nói.
TS. Nguyễn Thiện Tống nguyên chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hàng không (ĐH Bách Khoa TPHCM), luật sư Nguyễn Đăng Liêm (đoàn luật sư TPHCM)… cho rằng, lập luận của Bộ GTVT và Cục Hàng không qua các văn bản báo cáo lên cấp cao hơn có nhiều điểm bất đồng, không thuyết phục bởi một nguyên lý đơn giản ai cũng hiểu là đường thẳng ngắn hơn đường vòng!
Các nhà khoa học cùng chung quan điểm, nói rằng phải mất tiền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho Lào, Campuchia khi thực hiện chuyến bay thẳng theo kinh tuyết 106 độ đông là quá sớm. Và điều này, với trách nhiệm của mình, Cục Hàng không hoàn toàn có thể thương thảo với mức giá chấp nhận được.
Ngay đến vị chủ tọa là GS. Trần Phương cũng đặt dấu hỏi rằng tại sao Bộ GTVT lại vội đề nghị Thủ tướng dừng xem xét phương án đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM theo kinh tuyến 106 độ đông?.
Đường bay Hồ Gươm - Hồ Con rùa!
Hội thảo khoa học về hiệu quả kinh tế của đường bay vàng.
Phản biện về phương án của ông Mai Trọng Tuấn, ông Bùi Văn Võ - Trưởng ban quản lý hoạt động bay nhấn mạnh: quá sơ sài về chuyên môn, dựa trên những thông tin lạc hậu.
Theo ông Võ, dựa trên những “nét vẽ” đó, Cục Hàng không Việt Nam cùng Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan, với quan điểm cầu thị, đã nghiên cứu theo 2 phương án. Phương án 1 là vẽ một đường thẳng nối thẳng từ sân bay Nội Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất. Phương án 2 là đường hàng không theo kinh tuyến 106 độ đông với lộ trình tối ưu.
Phương án 1 thì ngắn hơn đường bay hiện tại khoảng 60km, phương án 2 ngắn hơn khoảng 40km. Còn con số 142km tiết kiệm mà Cục Hàng không đưa ra trước đó là dựa trên đường bay cũ.
“Dù là vẽ ra đường bay ngầm xuyên qua lòng đất thì cũng tuyệt nhiên không thể có bất kỳ phương án bay nào có cự ly 1.000km để dẫn tới việc tiết kiệm nhiên liệu và thời gian bay như đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn”, ông Võ nói.
Trước cách đặt vấn đề của ông Tuấn rằng phương án của ông chỉ nói đến quãng đường hàng không bay thẳng Hà Nội - TPHCM, ông Lại Xuân Thanh - Cục phó Hàng không Việt Nam phát biểu: với cách nói của cựu phi công Tuấn thì phải chăng cũng có thể kẻ một đường hàng không thẳng nối Hồ Gươm (Hà Nội) với Hồ Con rùa (TPHCM).
Ông Thanh nhấn mạnh: việc mở ra bất kỳ đường bay nào, yếu tố an toàn an ninh phải được đặt lên trên hết sau đó mới tính đến hiệu quả kinh tế. Nếu phương án đường bay vàng đáp ứng đầy đủ các yếu tố an toàn an ninh, kinh tế thì Cục Hàng không không ngần ngại gì triển khai các phương án kỹ thuật để đường hàng không đó hoạt động.
Vị đại diện Cục Hàng không nhắc lại tầm quan trọng của đường hàng không Hà Nội - TPHCM đóng vai trò xương sống khi nối cả các tỉnh duyên hải miền trung và Tây Nguyên. Vậy nên giả dụ “đường bay vàng” có đưa vào hoạt động đi chăng nữa thì vẫn phải duy trì song song cùng đường bay hiện tại.
Điều này ông Tạ Văn Thanh - đại diện Bộ GTVT đặt ngược vấn đề: không lẽ phải xây dựng thêm sân bay ở hai đầu để phù hợp với con số mà cựu phi công Mai Trọng Tuấn đưa ra. Tham dự hội thảo đại diện Vietnam Airlines cũng nhấn mạnh, phương án của ông Mai Trọng Tuấn là rất sơ sài và chưa hề tính đến những yếu tố kỹ thuật như đường cất hạ cánh, lấy độ cao và mức tiêu hao nhiên liệu…
Kết thúc hội thảo, GS Trần Phương không đồng ý với các con số tính toán phía Cục Hàng không, Bộ GTVT và Vietnam Airlines đưa ra và đề nghị có buổi “thực tính”. Cục Hàng không Việt Nam đồng ý với đề nghị trên.
Phúc Hưng