Tiền tỷ chui vào “nhóm lợi ích”?
“Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của nước ta, tiếng là có tới ba Bộ cùng quản lý, nhưng trách nhiệm thì... chung chung, tiền tỷ chui vào “nhóm lợi ích”. Bao giờ việc “rơi vãi” tài nguyên được siết chặt?”
“Nhắm mắt” quản khoáng sản
Kết quả điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản của Việt Nam thời gian qua đã phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, Khoản 2 Điều 80 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước; Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong công tác lập, trình phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và xuất khẩu khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, vật liệu xây dựng; còn Bộ Công Thương được giao quản phần khoáng sản còn lại.
Những bất cập cũng được ông Lại Hồng Thanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ TN&MT) chỉ ra. Theo đó, cho dù tính đến tháng 5/2013 còn gần 5.000 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do cơ quan hữu trách Trung ương và địa phương cấp đang còn hiệu lực nhưng việc thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc, chỉ khoảng 30 - 40% tổ chức, cá nhân chấp hành, chưa kể mức độ báo cáo chính xác, đầy đủ vẫn còn cần đặt ra.
Hệ quả, Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, đồng nghĩa với việc không nắm được thực trạng “vốn tài nguyên khoáng sản”, dẫn tới khó định hướng một cách chính xác, có tính khả thi đối với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản khi lập chiến lược, quy hoạch khoáng sản trong từng thời kỳ. Nhà nước không kiểm soát được nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế tài nguyên, do sản lượng làm căn cứ tính thuế là sản lượng khai thác do doanh nghiệp tự kê khai.
Đặc biệt, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 cũng được xác định căn cứ vào trữ lượng khoáng sản hoặc sản lượng khai thác thực tế của các doanh nghiệp. Như vậy, coi như Nhà nước đã thụ động trong quản lý, kiểm soát khai thác khoáng sản – với tư cách là người đại diện của chủ sở hữu về khoáng sản.
Loay hoay tìm hướng
Tại Hội thảo “Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?” do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ TN&MT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức, ông Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, nhằm nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, Bộ TN&MT tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về khoáng sản cho cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản tại các địa phương, đặc biệt là cán bộ làm công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai Đề án “Tăng cường năng lực cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản từ Trung ương đến địa phương” nhằm hoàn thiện hệ thống tổ chức cũng như lực lượng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khoáng sản; tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là đối với tổ chức, cá nhân khai thác không có thiết kế mỏ, gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Có mặt tại hội thảo, ông Alfredo Pires - Bộ trưởng Dầu khí và Tài nguyên thiên nhiên của Đông Timor chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên của Đông Timor là minh bạch (tài chính, lợi ích), tối đa hóa trong việc chia sẻ lợi ích với người dân và đa dạng hóa nguồn thu ngân sách, không chỉ tập trung khai thác một loại tài nguyên. Câu chuyện thật của Đông Timor đó là mọi thông tin vẫn bị coi là “nhạy cảm” đều được đăng tải công khai trên website, từ lương Bộ trưởng Dầu khí đến các doanh thu, lợi nhuận từ việc khai thác dầu khí của các công ty…. Đạt được điều đó là do Đông Timor đã tham gia Sáng kiến Minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI).
Theo Mai Hoa
Pháp Luật VN