1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực: “Con tôm Việt tuy có thăng trầm nhưng xu thế phát triển luôn là chủ đạo”

(Dân trí) - Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), nhận định, mùa tôm 2020 đã khởi đầu với những thách thức không nhỏ, tuy nhiên, ngành tôm Việt vẫn có những ưu thế bền vững.

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực: “Con tôm Việt tuy có thăng trầm nhưng xu thế phát triển luôn là chủ đạo” - 1

Ông nhận định mùa tôm 2020 có những thử thách gì và tình hình Minh Phú dính bị Cục hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP)chính thức điều tra cho hành vi lẫn tránh thuế chống bán phá giá ông có suy nghĩ gì?

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC): Mỗi năm một vẻ, con tôm Việt tuy có thăng trầm nhưng xu thế phát triển luôn là chủ đạo. Khởi động mùa tôm 2020, những thách thức, những quan tâm có thể nêu ra sau đây:

Một là vấn đề quan ngại không nhỏ là âu lo về tiềm ẩn dịch bệnh tôm chưa có phác đồ xử lý triệt để. Hiện nay, các vùng nuôi tôm đang tất bật lo sửa chữa các ao tôm, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Một số địa phương có thông lệ đã thả nuôi từ cuối năm cũ. Việc này nhằm tranh thủ thu hoạch sớm, lúc giá tôm còn khá. Đồng thời việc này cũng làm giảm căng thẳng nhu cầu nguyên liệu tôm đầu mùa của các doanh nghiệp (DN) tôm.

Năm nay dự báo thời tiết không lạnh, các nơi an tâm lo việc thả giống sớm, ngay sau Tết. Cảnh báo từ cơ quan chức năng, người nuôi tôm chắc có sự chuẩn bị nuôi kỹ lưỡng hơn nhằm giảm thiểu rủi ro, nhất là dịch bệnh tôm tấn công. Nhưng rủi ro khó lòng ngăn chặn khi nước nuôi tôm các vùng nuôi không thể lấy nước trong từ biển mà đa phần lấy nước từ hệ thống sông rạch, tiềm ẩn nguy cơ các dư lượng các chất khó kiểm soát hết. Với nguồn nước như vậy, chi phí làm trong, làm sạch sẽ làm tăng chi phí, tăng giá thành tôm nuôi.

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực: “Con tôm Việt tuy có thăng trầm nhưng xu thế phát triển luôn là chủ đạo” - 2

Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT FMC

Thứ hai, thông tin dự báo năm nay cung cầu tăng trưởng tương đồng khoảng 5% và giá cả tiêu thụ duy trì ở mức thấp. Để có thêm lợi nhuận, người nuôi phải tìm cách giảm chi phí, giảm giá thành thông qua các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng hệ số thu hồi, tăng năng suất ao nuôi. Giải pháp kỹ thuật, để ứng dụng có hiệu quả phải mang tính đồng bộ và gắn liền sự đầu tư trang thiết bị cần thiết. Muốn vậy, phải thêm vốn. Đó là nút thắt, bởi qua nhiều năm bị dịch bệnh tôm tấn công, đa phần người nuôi mất hết vốn làm ăn.

Thứ ba, trong tổng thể bức tranh chung thế giới, đòi hỏi sản phẩm truy xuất nguồn gốc dễ dàng và nhất là bảo đảm tính bền vững trong hoạt động. Tính bền vững phải thể hiện đủ trong các mặt kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Nhất là những hệ thống phân phối cao cấp, có những đòi hỏi vô cùng nghiêm nhặt, buộc các DN luôn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội (CSR) và bộ chỉ số phát triển bền vững (CSI). Đây là thách thức không nhỏ, nhất là với các DN có tài chánh thấp.

Thứ tư, với hàng rào kỹ thuật ngày càng dày đặc. EU vừa thông báo từ 30/3/2020 tôm nuôi không sử dụng ethoxyquin, một chất bảo quản phổ biến trong thức ăn tôm đang lưu hành ở Việt Nam. Việc này sẽ khiến thị phần tôm Việt ở EU sẽ bị thu hẹp, bởi các DN cung ứng thức ăn tôm khó mà xoay sở trong thời gian ngắn, khi nguyên liệu là bột cá còn đang sử dụng chất này.

Bất ngờ, mùa tôm 2020 khởi đầu với một sự kiện khá nóng bỏng, có thể có tác động không nhỏ con tôm chúng ta. Đó là thông tin một công ty thành viên của Minh Phú - DN tôm lớn nhất nước - bị CBP Hoa Kỳ chính thức điều tra gian lận thuế chống bán phá giá. Nội dung điều tra theo cáo buộc bên nguyên đơn là Minh Phú (MP) nhập tôm block sơ chế từ Ấn Độ về chế biến lại và xuất bán qua Hoa Kỳ qua công ty thành viên là Mseafood.

Nhìn bên ngoài, đây là một chuyện mang tính chất kinh doanh đơn thuần, tìm thu nhập thông qua tổ chức sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ để có chênh lệch. Nhưng thương trường quốc tế có những luật lệ riêng của nó. Tham gia cuộc chơi, các DN phải chấp nhận những luật chơi đó. Sự kiện này còn mất nhiều thời gian để xử lý, kết luận. Theo thông tin rộng rãi, tình hình đang bất lợi cho MP khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, Công ty nhập khẩu ở Hoa Kỳ (Mseafood) phải nộp thuế tạm tính là 10% trên giá trị lô hàng.

Ông có thể đánh giá rõ hơn sự tác động từ sự kiện MP tới bức tranh toàn ngành?

MP chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu tôm Việt và non nữa kim ngạch xuất khẩu tôm Việt vào Hoa Kỳ. Biến động nêu trên là không nhỏ của DN tôm lớn nhất Việt Nam chắc chắn có tác động tình hình chung. Có thể nêu ra các tình huống:

- MP chứng minh được DN mình không có hành vi trốn thuế chống bán phá giá. Đó là tối ưu. Hoạt động của MP nói riêng, của ngành tôm Việt có thể bị tác động tiêu cực trong giai đoạn điều tra, nhưng sau đó trở lại ổn định sớm.

- MP bị áp thuế chống bán phá giá: Lại thêm tình huống. Nếu thuế thấp sẽ không tác động gì lớn, MP có thể duy trì được cơ cấu thị trường đã có của mình. Lúc đó tác động tới toàn ngành không lớn. Nếu thuế cao hơn, MP không thể cạnh tranh ở thị trường Hoa Kỳ, phải chuyển đổi thị trường. Cái bánh thị phần tôm Việt đang có phải san sẻ lại, sẽ có tình trạng cạnh tranh giành khách hàng, thị phần. Lúc đó tác động phủ trùm ngành chế biến tôm Việt, ảnh hưởng không nhỏ tới các DN nhỏ, vốn yếu. Và có lẽ người nuôi tôm sẽ thiệt thòi nhiều hơn, do giá giảm. Tuy nhiên, có một điểm tích cực, sau khi có thông tin giữa năm 2019 về sự kiện MP, từ đó đến nay tôm sơ chế block nhập từ Ấn Độ đã giảm mạnh mẽ. Thời gian điều tra của CBP là một năm từ quý 4 năm 2019, sẽ thuận lợi cho MP giải trình hoạt động của mình.

Bên cạnh thách thức, vậy những thuận lợi ngành tôm đang có là gì?

Tổng quan, mùa tôm 2020 khởi đầu với những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, ngành tôm Việt có những ưu thế bền vững. Đó là trình độ chế biến cao, là cơ cấu thị trường tốt và cân bằng, nhất là uy tín thương hiệu ngày càng tiếng tăm. Các doanh nhân tôm đã nhận thức được tình hình, biết những trở ngại phải nỗ lực vượt qua. Thuận lợi khách quan, năm nay thời tiết thuận lợi cho nuôi tôm, giá tôm đầu vụ đang rất cao…

Từ tình hình MP, theo ông rút ra kinh nghiệm gì?

Sự phát triển của công nghệ quá nhanh và tinh vi, việc truy xuất thông tin không còn khó khăn. Các DN chúng ta không thể chủ quan, không thể để sự ham muốn lấn át. Tôi nghĩ, các DN nào đang có hành vi tương tự như MP đang bị cáo buộc, phải ngưng ngay việc làm có ảnh hưởng tới lợi ích chung. Thậm chí Vasep có thể thu thập thông tin và có khuyến cáo sớm nhất DN nào đang trong tình huống này nhằm ngăn chặn kịp thời rủi ro cho toàn ngành.

Mặt khác các DN tôm nên tập trung vào các việc cốt lõi như nỗ lực xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững. Có như vậy, ngành tôm Việt sẽ phát triển ổn định hơn, từng bước có tốc độ tăng trưởng tốt hơn và mới có những thắng lợi trọn vẹn hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm