Tiền lẻ chỉ dành...đi chùa!

Chốn linh thiêng lại đặt tiền bừa bãi, không những mất mỹ quan, phản cảm mà còn làm xấu hình ảnh đồng tiền Việt Nam.

Quả thực khi nghe Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố con số 300 tỷ đồng mỗi năm dành để in tiền mệnh giá nhỏ ( từ 2.000 đồng trở xuống) khiến nhiều người giật mình. Giật mình là bởi cũng theo Phó thống đốc, tiền mệnh giá nhỏ này phần lớn chỉ dành mục đích phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, tức là chỉ dùng vào mỗi một việc là…đi chùa!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Chỉ dành đi chùa thôi mà tốn kém đến vậy thì hạn chế là đúng rồi, thậm chí tiến tới dừng in luôn vì như vậy rất lãng phí!

Câu chuyện cách đây không lâu khi xong một mùa lễ hội, chùa Hương thu được 1.200 bao tải tiền lẻ trong vòng 3 tháng với số tiền lên đến 22 tỷ đồng. Một con số khá ấn tượng! Thử hình dung số tiền này sẽ rơi, vãi và bày biện, trang trí đến nhức mắt như thế nào trên các ban, các phủ, rồi chồng chất đan xen ở nải chuối, hộp bánh, thanh oản, hay bất cứ chỗ nào có thể nhét được tiền là người dân để tiền, kể cả tay phật, áo phật…vv…

Rõ ràng phải chấm dứt ngay những hình ảnh phản cảm này và đừng bắt thần linh phải nhận “hối lộ” bằng tiền lẻ, vàng mã như thế nữa!
 
Câu chuyện 1.200 bao tải tiền cũng dở khóc dở cười. Dở khóc ở công đoạn thu gom, kiểm đếm, phân loại để đóng bao tải. Còn dở cười ở chỗ, vận chuyển đưa số tiền này vào ngân hàng phải cần tới 12 xe chuyên dụng của ngân hàng mới chở hết. Tiếp đó lại một lần nữa “dở khóc, dở cười” với những nhân viên ngân hàng khi phải kiểm đếm lại để...nhập kho.

Đó mới chỉ là câu chuyện ở Chùa Hương. Còn trên đất nước ta sẽ còn biết bao đền, chùa, miếu, phủ cũng trong tình cảnh tương tự. Và như thế, số tiền lẻ tập hợp được không biết sẽ lớn đến cỡ nào?

Quay lại câu chuyện in tiền. Bỏ ra 300 tỷ đồng in tiền lẻ chỉ vì mục đích kiểu như duy nhất là đi chùa của nhân dân thì thật quá lãng phí. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ xem nhu cầu tín ngưỡng này thật sự có cần thiết hay không? Bởi rất khó chấp nhận ở chốn linh thiêng lại đặt tiền bừa bãi, không những mất mỹ quan, phản cảm mà còn làm xấu hình ảnh đồng tiền Việt Nam.

Hình ảnh phản cảm khi đặt tiền lẻ lên tượng phật ( Ảnh: Báo Văn hóa)
Hình ảnh phản cảm khi đặt tiền lẻ lên tượng phật ( Ảnh: Báo Văn hóa)

Người đi chùa với tấm lòng từ bi, hướng thiện đều hiểu rằng đây là một thói quen xấu, nên bỏ và hơn nữa, với số tiền 300 tỷ đồng này có thể sử dụng vào rất nhiều mục tiêu khác mà đất nước và nhân dân đang rất cần, như xây trường học, bệnh viện ở các vùng nông thôn.

Tiếc rằng, thói quen dùng tiền lẻ, đổi tiền lẻ để đi lễ chùa không dễ dàng ngày một, ngày hai loại bỏ được.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác. Nếu đặt câu hỏi: “1.000 đồng bây giờ mua được gì?” thì câu trả lời sẽ là “1.000 đồng thì chẳng mua được gì”. Tất nhiên, tờ 1.000 đồng vẫn hình dáng ấy, vẫn mặt sau với hình ảnh những chú voi kéo gỗ không thay đổi. Chỉ tiếc rằng, giá trị thì đã thay đổi!

Cái thời 200 đồng dành để mua hành, mua ớt đã không còn. Những người bán hàng bây giờ không những từ chối tiền 200 đồng mà còn không nhận cả tiền 500 đồng, thậm chí cả 1.000 đồng.

Tiền để lưu thông, giao dịch trao đổi khi không còn đảm bảo ý nghĩa đó thì đúng là không cần thiết in ra nữa. Tuy nhiên, vấn đề tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng, thậm chí 1.000 đồng dường như không còn sức mua vô hình chung đã nói lên một sự thật quá rõ ràng là từ nhiều năm nay, lạm phát tăng cao, đồng tiền Việt Nam đang ngày mất giá!

Vậy nên, hạn chế in tiền lẻ mệnh giá nhỏ là đúng rồi, nhưng phải làm sao để vài năm nữa Nhà nước không phải tiếp tục hạn chế in cả những tờ 5.000 đồng hay 10.000 đồng mới là điều đáng quan tâm./.

Theo Tuyết Yến
VOV online
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước