Đổi tiền lẻ, bạc triệu lấy vài trăm vẫn đắt hàng

Đổi tiền lẻ đi chùa không phải chuyện lạ, nhưng nhiều người phái sốc với việc “mua” tiền với giá 250% giá trị tiền thực.

“Giá chát” nhưng vẫn “đắt hàng”

 

Mặc dù đã có lệnh cấm về việc đổi tiền lẻ với mức chênh lệch giá cao của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra tấp nập, sôi nổi, đặc biệt vào những ngày cuối năm.

 

Nở rộ vào dịp cuối năm, dịch vụ đổi tiền lẻ giá chát với mức chênh lệch rất lớn.
Nở rộ vào dịp cuối năm, dịch vụ đổi tiền lẻ "giá chát" với mức chênh lệch rất lớn.

 

Hầu hết tại các chùa, nhiều gia đình mở dịch vụ đổi tiền lẻ với giá đổi “khá chát”. Như khu vực chùa Hà, phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Phúc Khánh,… Họ công khai trưng bày “hàng” với đủ loại mệnh giá như 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng và cả các loại tiền polymer như 10.000 đồng, 20.000 đồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Khi hỏi một người “bán hàng” thì chị cho hay, nếu đổi loại 500 đồng cùng seri thì 125 nghìn sẽ mua được 50 tờ (50 nghìn đồng). Nghĩa là mệnh giá 500 đồng sẽ đổi với mức 250% giá trị thực của tiền.

 

Với loại tiền 500 đồng đã qua sử dụng thì rẻ hơn một chút với mức 70-100, nghĩa là 10.000 đồng thì đổi được 7.000 tiền lẻ (142% giá trị thực). Tiền mệnh giá 1.000 đồng mức 100 - 125 (125 %), 2.000 đồng 120%,… mệnh giá càng thấp thì tỷ giá đổi càng cao.

 

Vào thời điểm giáp tết, lượng tiền lẻ càng khan hiếm, đặc biệt các loại tiền mệnh giá thấp càng hiếm hơn khi có thông tin năm nay nhà nước không phát hành tung ra thị trường các loại tiền này nữa. Các điểm đổi tiền lẻ càng trở nên đắt hàng hơn bao giờ hết.

 

Chị T. Mai một người dân đi chùa Hà đổi tiền lẻ cho biết: “Ở đâu đổi tiền lẻ cũng với mức giá ngang thế này, tầm 10 ăn 7 với loại tiền 1.000, đa số mọi người đổi tiền 1.000 đồng, loại 500 đồng đắt hơn. Nhưng đến chùa thì không ai lại trả giá hay kêu đắt cả, giá chung cả rồi”.

 

Không chỉ có các điểm đổi tiền lẻ xung quanh chùa đắt hàng, nhiều “cửa hàng” dịch vụ tiền lẻ trên Internet cũng mọc lên với mức giá “hấp dẫn” và các loại tiền cũng đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu “người tiêu dùng”.

 

Khách hàng “mua” tiền lẻ đi chùa, có bảng giá cụ thể, với mức giao động từ 120 - 200% cho các loại tiền lẻ mệnh giá khác nhau. Còn nếu đổi tiền seri số đẹp, số tứ quý, số phong thủy thì giá càng “mặn” hơn nhiều lần.

 

“Mua hàng” với số lượng lớn sẽ được giảm giá. Thậm chí các cửa hàng này còn có cả dịch vụ “ship hàng” về tận nhà cho khách.

 

 “Thuần phong mỹ tục” khó bỏ

 

Người Việt Nam có thói quen “rải lộc” ở khắp các ban cúng tại đình đền, chùa bằng các loại tiền lẻ. Vì họ cho rằng, có như vậy, các vị thần linh mới lắng nghe và giúp đỡ tâm tư, nguyện vọng của họ.

 

Nói là đổi tiền lẻ đi chùa, nhưng “giá” thì không hề lẻ chút nào. Có người đi chùa, đặt tiền lễ lên tới vài trăm nghìn các loại tiền 500, 1.000, 2.000, 5.000,… nhưng để “mua” được vài trăm tiền lẻ đó, họ phải bỏ ra cả tiền triệu cho việc sắp “tiền lộc”.

Với những người đi lễ chùa, dù chi phí đổi tiền cao nhưng họ vẫn phải chấp nhận.
Với những người đi lễ chùa, dù chi phí đổi tiền cao nhưng họ vẫn phải chấp nhận.

 

Khi tiếp xúc một chủ “cửa hàng” đổi tiền lẻ để đổi, chị cho hay: “Gần tết tiền lẻ càng khan hiếm, tiền mệnh giá càng thấp càng khan hiếm, cái gì cũng có giá, tiền mệnh giá cao nhiều thì giá rẻ hơn”. Mặc dù tiền lẻ giá “chẵn” những hầu như đây đã trở thành “thuần phong mỹ tục” khó bỏ của người Việt Nam.

 

M.L, một thành viên tổ chức tình nguyện Hành trình xanh cho biết: “Hằng năm, cứ sau Rằm tháng Giêng, một số tổ chức tình nguyện lại tới chùa làm công việc thu gom và xếp các loại tiền lẻ. Phải có hơn 1.000 bao tải thu gom tiền lẻ các loại, số tiền lẻ này cũng trị giá tới vài chục tỷ”.

 

Rất nhiều những ngôi chùa lớn như Chùa Hương, Chùa Bái Đính, Đền Trần… là những điểm “rải lộc” của người dân, chỉ riêng đợt Tết Nguyên đán số tiền đã lên tới vài chục tỷ. Cả nước có gần 15.000 ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau, còn chưa kể các đình đền, nếu gom lại cả năm thì số tiền lẻ đó không thể tưởng tượng nổi. Và để “mua” được số tiền lẻ đó họ đã phải bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều lần.

 

Tiền được rải ở khắp nơi, từ ban chính, ban phụ, cổng ra vào, tay tượng Phật, cho đến giếng nước, trên cây, thậm chí tiền lẻ còn được hóa chung cùng vàng tiền âm phủ. Hình ảnh tiền lẻ rải tùy tiện đã ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam.

 

Việc đi chùa là thành tâm, vật lễ và tiền không quan trọng. Nếu người nào muốn đóng góp ủng hộ chùa có thể công đức hoặc để ở ban chính một tờ tiền mệnh giá lớn, thay vì việc đổi tiền lẻ rải khắp nơi. Vừa không phải trả “phí mua tiền” vừa bảo vệ cảnh quan di tích, trân trọng giá trị đồng tiền.

 

Theo Mai Linh

VietnamNet
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước