Tiền gửi của người dân vào ngân hàng lập kỷ lục hơn 7 triệu tỷ đồng
(Dân trí) - 2024 là năm đầu tiên cả tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng vượt 7 triệu tỷ đồng, lập kỷ lục, theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết tháng 12/2024 đạt 7,065 triệu tỷ đồng, tăng 8,15% so với thời điểm cuối năm 2023, lập kỷ lục mới. Đây cũng là lần đầu tiên tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng đạt trên 7 triệu tỷ đồng.
So với cuối tháng 11/2024 liền trước, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng.
Tiền gửi của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao. Thực tế, lãi suất huy động chưa thể hồi phục như giai đoạn dịch Covid-19 song thời điểm cuối năm ngoái, các ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất.
Chỉ riêng tháng 12 năm ngoái, 12 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, gồm Techcombank, BVBank, CBBank, DongA Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB. Mức lãi suất 6%/năm vẫn xuất hiện tại một số nhà băng tầm trung.

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt kỷ lục hơn 7 triệu tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân).
Còn lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 12/2024 đạt hơn 7,667 triệu tỷ đồng, tăng 12,07% so với cuối năm 2023. Riêng trong tháng 12, các ngân hàng huy động thêm được 463.000 tỷ đồng tiền gửi của nhóm này.
Tính chung, tổng phương tiện thanh toán, chưa bao gồm các khoản giấy tờ có giá, đến hết tháng 8 năm nay đạt hơn 17,9 triệu tỷ đồng, tăng 11,97% so với cuối năm ngoái.
Thực tế, trong năm 2023 và năm 2024, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tục tăng để thu hút tiền gửi. Sang đến năm nay, thời điểm 2 tháng đầu năm, các ngân hàng cũng rục rịch tăng lãi suất.
Tuy nhiên, khi áp lực lạm phát được kiểm soát và chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng hơn, các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất. Điều này được các công ty chứng khoán đánh giá để cân đối chi phí vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Từ cuối tháng 2 đến nay, đã có 26 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo "nóng" thanh tra, kiểm tra các nhà băng tăng lãi suất huy động thời gian qua.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo. Trong đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định.
Hầu hết chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng được dự báo có thể tiếp tục giảm nhưng mức giảm sẽ không quá nhiều. Việc tăng lãi suất là rất khó. Đồng thời, lãi suất cho vay của các ngân hàng được đánh giá sẽ giữ ổn định, thậm chí giảm nhẹ ở một số lĩnh vực ưu tiên.