Tiền gửi của dân cư tăng … chậm lại
(Dân trí) - Tính đến cuối tháng 5/2013, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,54% (cùng kỳ giảm 3,58%); tiền gửi của dân cư tăng 14,26% (nhưng vẫn thấp hơn so với 15,99% cùng kỳ). Các con số này tương ứng với trên 1.331 nghìn tỷ đồng và gần 1.987 nghìn tỷ đồng.
Tiền mặt trong lưu thông giảm mạnh (ảnh minh họa).
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin chi tiết về tình hình hoạt động ngân hàng thông qua một số dữ liệu chủ chốt. Trong đó, tính đến cuối tháng 5/2013, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,54% (cùng kỳ giảm 3,58%) và tiền gửi của dân cư tăng 14,26% (nhưng thấp hơn so với 15,99% cùng kỳ). Các con số này tương ứng với trên 1.331 nghìn tỷ đồng và gần 1.987 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong khoảng thời gian này, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt gần 3.188 nghìn tỷ đồng, tăng 3,13% so với cuối năm trước. Trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là dư nợ công nghiệp và xây dựng. Tuy nhiên tốc độ tăng mạnh nhất lại thuộc về nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (tăng 9,18%).
Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng trong 1 năm qua (tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu vào tháng 6/2012) luôn duy trì trên 4%. Tính tới thời điểm cuối tháng 5 giảm nhẹ xuống còn 4,65%, thấp hơn so với con số 4,67% của 1 tháng trước đó.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến cuối tháng 5/2013 tăng gần 652 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 3.899 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2012. Mức tăng này cũng cao hơn so với 3,88% tính đến cuối tháng 5/2012.
Tuy nhiên, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán liên tục giảm từ đầu năm (13,71%) xuống còn 11,43% hiện nay.
Còn theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2013, tổng phương tiện thanh toán ước tăng khoảng 7,1% so với tháng 12/2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng khoảng 8,18%. Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng khoảng 3,31%.
Tổng phương tiện thanh toán được đánh giá là đã tăng khá cao so với trước đây. Theo định hướng chung, năm 2013, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng từ 14 -16%, tín dụng tăng khoảng 12%.
Trong bối cảnh trên, tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao nhất kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công bố số liệu vào tháng 6/2012. Tính đến 30/6/2013, tổng tài sản của hệ thống đạt gần 5.293,6 nghìn tỷ đồng, tăng 68,3 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 5/2013. So với cuối 2012, tổng tài sản của hệ thống tăng 4,09%.
Đặc biệt, vốn tự có của hệ thống ngân hàng tăng tháng thứ 2 liên tiếp lên 438,3 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 5. Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục là nhóm có mức tăng vốn tự có mạnh nhất (tăng 11,56%) trong khi công ty tài chính cho thuê sụt giảm mạnh nhất (giảm 7,76%); nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục giảm 3,68%.
An Hạ