1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Tiền Cụ Hồ” - đồng tiền tiếp nối truyền thống từ thời lập quốc

Ngày 31/11/1946, sau hơn một năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lần đầu tiên tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức phát hành, khẳng định vai trò lưu thông của một đồng tiền tự chủ.

Qua thời gian, các hệ thống đồng tiền có hình Cụ Hồ còn có một giá trị đặc biệt, gắn bó chặt chẽ với hoàn cảnh cách mạng Việt Nam trong 9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp (1946-1954), hơn 20 năm chống Đế quốc Mỹ (1954-1975) và 38 năm xây dựng, phát triển đất nước (1975-2013). Trong đó, hình ảnh Cụ Hồ là biểu tượng xuyên suốt, tiếp nối các giá trị, truyền thống trong lịch sử từ trước đến nay.

“Tiền Cụ Hồ”

Lúc đầu, “Tiền Cụ Hồ” là tên gọi bắt nguồn từ tình cảm của người dân dành cho vị Chủ tịch nước đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - cụ Hồ Chí Minh. Các loại tiền giấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên có mệnh giá 100 đồng, 20 đồng, 5 đồng và 1 đồng; trên tờ tiền có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng và Giám đốc Ngân khố Trung ương Phạm Khoa.

“Tiền Cụ Hồ” - đồng tiền tiếp nối truyền thống từ thời lập quốc
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Năng An chụp vào khoảng năm 1945 – 1946 được các họa sĩ dùng vẽ trên hệ thống tiền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ông Nguyễn Ngọc Oánh, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kể: thời kỳ đó sau khi Pháp đánh chiếm Hà Nội, toàn quốc đứng lên kháng chiến nhưng nhiều người vẫn tìm mọi cách để có được đồng tiền Việt Nam có hình Bác Hồ. Nhiều khi không có tiền lẻ, người ta sẵn sàng xé đôi tờ tiền để tính giá trị một nửa, để được chia nhau niềm hạnh phúc được sở hữu đồng tiền kháng chiến. Đồng tiền dù rách nát đến mấy nhưng cứ “tiền Cụ Hồ” là nhân dân yêu chuộng, nhiều người giữ lại không tiêu dùng mà mang đặt lên bàn thờ tổ tiên rất trân trọng vì trên tờ giấy bạc có chân dung Bác Hồ…

Tại chiến khu Việt Bắc, việc tiêu dùng tiền Cụ Hồ là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, tại vùng Pháp tạm chiếm, nhất là Hà Nội và các vùng phụ cận, việc tiêu tiền bị hạn chế do chính quyền Thực dân cấm đoán, thu giữ… Mặc dù vậy, người dân vẫn cất giấu, lưu truyền để “vừa tiêu, vừa thờ”.

Tại Nam Bộ, do tình tình khó khăn trong liên lạc và vận chuyển, tháng 11/1947, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh cho phép Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UB KCHC) Nam Bộ in và lưu hành tiền giấy riêng. Theo tài liệu ghi chép của Viện Bảo tàng Long An, xưởng in tiền nằm bên dòng kênh Dương Văn Dương ở vùng Đồng Tháp Mười (nay thuộc huyện Tân Thạnh). Thời kỳ này tại Nam Bộ các loại giấy bạc Việt Nam mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 50 đồng và 100 đồng, cùng với một số tín phiếu đã được phát hành, có in chân dung Bác Hồ do ông Phạm Văn Bạch - Chủ tịch UB KCHC Nam Bộ ký.

Trong những năm chiến tranh, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ, cả Miền Nam chìm trong khó khăn, nhưng vẫn hướng về cách mạng và Miền Bắc thân yêu. Nhiều người dân Nam Bộ đã cất giấu những tờ giấy bạc Cụ Hồ bằng nhiều hình thức khác nhau như: bỏ vào ống sữa bò chôn xuống đất, bỏ vào ống tre trên mái nhà, trong ống cuốn vải, sau giải phóng 1975 đem ra như là bằng chứng về lòng quả cảm, trung thành với cách mạng, nhiều người trong số họ còn đem hiến tặng cho ngành bảo tồn, bảo tàng tại địa phương nơi sinh sống. Sau một số đợt công tác khảo sát, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều địa phương như: Cà Mau, Long An, Đồng Nai, T.P. Hồ Chí Minh còn lưu giữ được được rất nhiều hiện vật như vậy.

Những câu chuyện vẽ “tiền Cụ Hồ” từ các họa sỹ

Nhân kỷ niệm 62 năm thành lập (6/5/1951- 6/5/2013), Ngành ngân hàng đang xúc tiến cho việc xây dựng, nâng cấp một phòng truyền thống, trong đó có phần trưng bày các hệ thống tiền Việt Nam. Để tương xứng với chủ đề “Tiền Cụ Hồ” đây là đòi hỏi rất lớn về công sức, trí tuệ của người làm công tác chuyên môn. Trước hết, cần ghi nhận các địa điểm tại Hà Nội như số 6 Lê Lai, 65 Nguyễn Thái Học, nơi làm việc và sinh sống của các họa sỹ liên quan đến “Tiền Cụ Hồ”.
 
Một trong những tờ tiền đầu tiên trong hệ thống tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Một trong những tờ tiền đầu tiên trong hệ thống tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Theo chúng tôi được biết, tất cả các họa sỹ vẽ ra hệ thống tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên đều đã qua đời, nhiều người thân trong gia đình của các cố họa sỹ đều có chung một mong muốn khi tôn vinh “Tiền Cụ Hồ” hãy luôn ghi nhớ công sức đóng góp của các họa sỹ thực hiện vẽ từng tờ tiền đó. Đó là: Họa sỹ Mai Văn Hiến vẽ tờ 5 đồng, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung vẽ tờ 1 đồng, họa sỹ Nguyễn Văn Khanh vẽ tờ 20 đồng và họa sỹ Nguyễn Huyến vẽ tờ 100 đồng.

Một số giai thoại mà báo chí còn lưu truyền có thể là cơ sở tư liệu góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề về thân thế và công việc của họ tại thời điểm tham gia vẽ tiền cho chính quyền cách mạng.

Ví như năm 2009, nhà văn Đỗ Chu đã viết trên báo Người cao tuổi bài “Một người vẽ tiền” nói về họa sỹ Mai Văn Hiến. Nội dung có đoạn rất đáng lưu ý: “…Một đêm, tại căn nhà số 6 phố Lê Lai, ông đang ngồi hí hoáy vẽ tiền cách mạng thì nghe sát vách bên kia có tiếng nói quen lắm. Tò mò, ghé mắt nhìn qua một khung cửa tràn ngập ánh sáng, trước mắt ông hiện ra một cảnh tượng rất ít người may mắn được thấy. Trên chiếc bàn lim lớn đặt giữa nhà là một đống vàng. Ngồi ở một bên bàn là ông Phạm Văn Đồng. Người đối diện là ông Trịnh Văn Bính, khi đó là Thứ trưởng Tài chính…”.

Hay như bài “Người họa sỹ vẽ tiền cho cách mạng” của Minh Huệ trên báo Quân đội nhân dân năm 2008 có đoạn: “Số nhà 65 Nguyễn Thái Học vốn của cụ Cự Lĩnh, một chủ thầu khoán lớn của Hà Nội thời Pháp thuộc. Nhà 3 tầng, mỗi tầng có 4 phòng riêng biệt, xây theo kiến trúc Pháp. Sau giải phóng Thủ đô, biệt thự trở thành nơi ở và làm việc của một nhóm họa sĩ và nhà điêu khắc… bà Mai Thị Kim Oanh, con gái của họa sĩ Mai Văn Hiến kể: Cuối tháng 11/ 1945, bốn họa sỹ xuất thân từ Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương được gặp bác Phạm Văn Đồng để nhận nhiệm vụ tối mật - vẽ mẫu những tờ bạc đầu tiên của nhà nước cách mạng Việt Nam non trẻ. Bác Phạm Văn Đồng nói với bố tôi và các bác rằng, Chính phủ cần có đồng bạc riêng, cần vẽ 4 tờ giấy bạc có mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng và 100 đồng. Trên 4 loại tiền này phải có hình ảnh đại diện cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và văn hóa...

Để duy trì được tình cảm nồng ấm cho những đồng tiền Cụ Hồ như những ngày đầu, bên cạnh việc kế thừa truyền thống của các thế hệ họa sỹ đi trước, đội ngũ vẽ tiền ngày nay đã được đào tạo một cách bài bản và tổ chức thành một phòng chuyên nghiên nghiên cứu và vẽ mẫu tiền một cách chuyên nghiệp. Đối với họ, việc vẽ và tiếp tục hoàn thiện “chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận.

Theo MT
Ngân hàng Nhà nước - SBV