1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thụy Sỹ đề cao vai trò của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu Thụy Sỹ Johann Schneider-Amman khẳng định, Thụy Sỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam - nước có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sỹ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có các buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ và Nghị viện của Thụy Sỹ. Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh về kết thúc tiến trình đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) - gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Lichteinsten.

Phó Thủ tướng bày tỏ, Thụy Sỹ là một nước quan trọng, có vai trò dẫn dắt trong khối EFTA, vì vậy Việt Nam mong muốn Thụy Sỹ góp tiếng nói chung để hai bên sớm đi tới hoàn tất các vòng đàm phán.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Thuế của Hạ viện Thụy Sỹ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Thuế của Hạ viện Thụy Sỹ

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu Thụy Sỹ Johann Schneider-Amman khẳng định, Thụy Sỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam - nước có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhằm đưa hợp tác kinh tế hai bên phát triển thực chất, hiệu quả, Bộ trưởng Johann Schneider-Amman nhất trí đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với khu vực EFTA.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Thuế Hạ viện của Thụy Sỹ, bà Sussane Leutenegger Oberholzer cũng cho rằng đàm phán FTA giữa Việt Nam và EFTA hiện đã ở chặng cuối và do đó, hai bên cần nỗ lực hơn nữa để sớm hoàn tất tiến trình này.

Tại các cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong đều nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam.

“Việt Nam đã là thành viên của hơn 10 FTA có tính chất toàn cầu và khu vực, trong đó có những hiệp định có tiêu chuẩn rất cao và khắt khe về tiêu chuẩn và năng lực thực thi chính sách.

Việc hợp tác thương mại, đầu tư với EFTA đều là để thực thi đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế rộng mở của Việt Nam. Việt Nam và EFTA tham gia trong một FTA chung cần bảo đảm lợi ích cân bằng, hướng tới sự phát triển bền vững cho hai bên” - Phó Thủ tướng nói.

Trong các cuộc gặp các doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sỹ hoạt động trong các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, dược phẩm, đổi mới-sáng tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trao đổi về các nội dung đàm phán Hiệp định và đề nghị các doanh nghiệp bằng uy tín của mình tác động tới các Chính phủ về nhận thức chung trong đàm phán.

Được biết, vào cuối tháng 9 này, phiên đàm phán thứ 15 của FTA giữa Việt Nam và EFTA sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ trưởng Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu Thụy Sỹ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ trưởng Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu Thụy Sỹ

Trước đó, trong phiên đàm phán thứ 14 diễn ra từ ngày 9-11/5/2017 tại Geneva (Thụy Sỹ) sau một thời gian dài đình trệ, với mục tiêu sớm kết thúc đàm phán như quyết tâm của Tổng thống Thụy Sỹ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos tháng 12/2016, Việt Nam và EFTA đã xác định được các vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực quan trọng của Hiệp định như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ và hải quan.

Năm 2012, khối EFTA đã cùng Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về việc các nước này công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hai bên khởi động đàm phán FTA. Quyết định này thể hiện sự công nhận của khối EFTA đối với các nỗ lực đổi mới nền kinh tế của Việt Nam cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại thông qua việc đàm phán và ký kết FTA giữa hai bên.

Trên cơ sở tiềm năng hợp tác kinh tế giữa khối EFTA và Việt Nam cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ năm 2009, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và khối EFTA đã nhất trí sẽ nâng tầm hợp tác kinh tế hai bên thông qua thảo luận một FTA giữa Việt Nam và khối EFTA…

Châu Như Quỳnh