Thuỷ sản và những thách thức của thị trường

"Tồn tại và hạn chế của ngành thủy sản, trước hết là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh ở các doanh nghiệp. Cạnh tranh mua nguyên liệu, giảm giá bán để tranh khách hàng; lạm dụng hóa chất tăng trọng; vi phạm các quy định về ghi nhãn sản phẩm, mua tôm nguyên liệu đã bị bơm chích tạp chất..."

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có cuộc trò chuyện với báo chí về những thách thức của ngành thủy sản Việt Nam trong những năm tới.

Thưa ông, ngành thủy sản Việt Nam trong 2 năm (2006-2007) vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhưng đã xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp với những dấu hiệu phát triển không bền vững. Với tư cách là Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông có thể lý giải về những dấu hiệu bất ổn này?

Ngoài những khó khăn về thiếu nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng cao, chi phí kiểm tra quá cao, tác động nặng nề của hai vụ kiện chống bán phá giá ở Mỹ, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều diễn biến bất lợi tại thị trường Nhật, Nga, Australia...

Ngoài ra, những hàng rào kỹ thuật và thương mại ngày càng chặt chẽ, với các quy định về dư lượng kháng sinh, về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, về kiểm dịch cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Tồn tại và hạn chế của ngành thủy sản, trước hết là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh ở các doanh nghiệp. Cạnh tranh mua nguyên liệu, giảm giá bán để tranh khách hàng; lạm dụng hóa chất tăng trọng; vi phạm các quy định về ghi nhãn sản phẩm, mua tôm nguyên liệu đã bị bơm chích tạp chất.

Những việc làm này đã bị một số đối thủ nước ngoài lợi dụng, gây tác hại cho uy tín và quyền lợi chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Tình trạng manh mún khiến cho cạnh tranh nội bộ tăng cao, năng lực cạnh tranh chung của ngành bị suy yếu. Trong khi đó, công tác nghiên cứu, phân tích xu hướng biến động, dự báo thị trường, tìm hiểu sâu khách hàng còn thiếu và yếu. Chưa thông báo kịp thời những thay đổi môi trường kinh doanh, những quy định pháp luật để doanh nghiệp chủ động đối phó, chưa đủ năng lực để đáp ứng được yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp.

Vốn, thị trường và nguyên liệu là ba vấn đề khá cấp bách của ngành xuất khẩu thủy sản nước ta. Theo ông, đâu là nguyên nhân của những tồn tại này và hướng tháo gỡ của VASEP?

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản rất tự phát. Để gắn trách nhiệm của khu vực chế biến với phát triển nuôi trồng, giảm bớt căng thẳng về cân đối nguyên liệu với năng lực chế biến, VASEP đang có những giải pháp mạnh mẽ để định hướng phát triển nuôi trồng.

Trước hết là các giải pháp nhập khẩu nguyên liệu. Từ nay đến 2010, doanh nghiệp khi thành lập nhà máy chế biến mới để sản xuất các sản phẩm sơ chế, cần phải yêu cầu xây dựng vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu tập trung. Việc đầu tư tài chính và cơ chế để mở rộng các chương trình quốc gia về phát triển giống nuôi chất lượng cao, giám sát chất lượng nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm cũng được đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng xây dựng đề án nhập khẩu nguyên liệu, kiến nghị với Chính phủ: xem xét và điều chỉnh lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản xuống 0% như Trung Quốc, Mỹ, EU và nhiều nước trong khu vực. Từ đó tạo điều kiện cần thiết để có nguyên liệu chế biến xuất khẩu ổn định.

Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tài chính cho đầu tư hệ thống dịch vụ phục vụ việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, bảo quản, vận chuyển và phân phối; cũng như hỗ trợ việc xây dựng đề án thành lập Ngân hàng Cổ phần Thủy sản Việt Nam.

Vấn đề dư lượng hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, theo ông, vì sao vẫn còn tồn tại và cần phải có những biện pháp mạnh mẽ gì?

Hiện nay, VASEP đang phối hợp với Bộ Thủy sản, Cục Nafiqaved thay đổi Quy chế 649 và 650 về phương thức kiểm soát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm chất lượng và cấp chứng thư xuất nhập khẩu, nhằm giảm chi phí doanh nghiệp, giảm thủ tục phiền hà và lãng phí, tăng hiệu quả và trách nhiệm kiểm soát của các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước.

Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ ngân sách cho hoạt động kiểm tra của cơ quan Nhà nước, giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng sẽ có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hội viên áp dụng thực sự hiệu quả các hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm như HACCP, SSOP... không nhằm đối phó mà phục vụ thực sự cho yêu cầu cạnh tranh và hội nhập.

Chúng tôi cũng đang có hướng dẫn và hỗ trợ hội viên xây dựng, nâng cấp và chứng nhận các phòng kiểm nghiệm cấp cơ sở đạt chuẩn của VILAB, hỗ trợ việc xây dựng các cơ sở kiểm nghiệm độc lập có trang thiết bị hiện đại, rút ngắn thời gian và giảm chi phí kiểm nghiệm các tiêu chuẩn chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp.

Hiện tại VASEP vẫn chưa có những phương thức hữu hiệu nào khả dĩ có kết quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp chuyên chế biến thủy sản, bớt khó khăn trong việc phối hợp với nhau và với các doanh nghiệp lớn. Là một trong những người lãi đạo cao nhất của VASEP, ông có những tác động gì để tháo gỡ không?

Hoạt động của Hiệp hội còn quá mỏng, chưa đáp ứng được dù là một phần nhỏ nhu cầu hội viên. VASEP cũng chưa thiết lập được mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh của cộng đồng các doanh nghiệp với hoạt động khoa học công nghệ, trường đại học, hệ thống ngân hàng... để tạo dựng những tiền đề cơ bản đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững.

Trong khi đó, kinh phí hoạt động của VASEP còn quá hạn hẹp, chủ yếu dựa vào hội phí, nhưng khá đông hội viên chưa đóng đủ hội phí. Phương thức hoạt động của Hiệp hội còn nặng về hành chính.

Theo Xuân Thái
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm