Thủy điện nhỏ: Đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận rất lớn!
(Dân trí) - Các nhà máy điện loại nhỏ cứ bình quân 1MW thì sẽ tiêu tốn 1 - 10 ha rừng. Thủy điện nhỏ được nhiều doanh nghiệp đầu tư vì suất đầu tư vừa phải thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận thì rất lớn.
Ý kiến nói trên được bà Trần Thị Dung - đại biểu Quốc hội đoàn Điện Biên - nêu lên trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016 - 2021 hôm nay (4/11).
Theo nữ đại biểu đoàn Điện Biên, từ năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và UBND một số tỉnh loại bỏ 474 dự án thủy điện và 213 điểm có khả năng tác động xấu tới môi trường và xã hội mà không mang lại lợi ích về mặt kiểm soát lũ lụt, thủy lợi và sản xuất điện. Phần lớn các dự án bị loại bỏ này nằm ở các tỉnh miền núi, trung du, Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển.
“Việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ cho thấy cơ chế, chính sách phát triển thủy điện chưa có rào cản tích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao có thể dẫn tới một số hậu quả của việc phát triển thủy điện, như phá vỡ sinh kế và mất rừng” - bà Dung nói.
Nữ đại biểu này dẫn chứng việc xây dựng 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 ha rừng của 26.000 hộ dân hoặc hồ chứa, đập thủy điện đã gây ra động đất cường độ nhỏ. Cụ thể:
Tháng 1/2017 - tháng 8/2018, tại tỉnh Quảng Nam đã có 69 trận động đất cường độ từ 2,5 đến 3,9 độ richter, trong đó 63 trận được ghi nhận tại huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 đang vận hành. Chuỗi trận động đất xảy ra gần thủy điện Sông Tranh 2 đã gây nứt vỡ cho nhiều công trình và tòa nhà xung quanh khu vực gây bất an cho người dân.
“Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Ý kiến khác nói đây là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ và được nhiều doanh nghiệp đầu tư, vì suất đầu tư vừa phải thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận thì rất lớn” - đại biểu đoàn Điện Biên thông tin.
Đặc biệt, đại biểu Trần Thị Dung dẫn lời phát biểu của một Giám đốc sở khoa học và công nghệ một tỉnh: “Người ta xây dựng thủy điện với lý do điều tiết nước nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lời từ cây rừng bị chặt phá là chính rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình trung, khi họ phá rừng cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước. Cũng theo ông giám đốc này thì bình quân các nhà máy điện loại nhỏ cứ 1MW thì sẽ tiêu tốn 1 đến 10 ha rừng”.
Đơn cử như dự án vào Rào Trăng 3, công suất 11MW chiếm mất 11 ha rừng và dự án Rào Trăng 4 thì công suất 14MW chiếm mất 168 ha rừng bảo tồn thiên nhiên của huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
“Rõ ràng khung pháp lý về cấp phép thủy điện nhỏ cần được sửa đổi, bổ sung như phát biểu của Thủ tướng tại phiên thảo luận tổ, đó là phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng” - bà Dũng nêu rõ.
Cũng theo bà Dung, cùng với việc phát triển thủy lợi nhỏ thì vấn đề sạt lở đất không chỉ xảy ra ở miền Trung, Tây Nguyên, khi diện tích rừng có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào, nhất là ở miền núi Đông Bắc và Tây Bắc khi mà diện tích rừng che phủ ngày càng bị thu hẹp.
“Đây là vấn đề vô cùng cấp bách, do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần xem xét, ban hành một Nghị quyết để cho Chính phủ có một dự án sớm di dời người dân ra khỏi vụ khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đảm bảo cuộc sống cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân để người dân có một nơi sống an toàn, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất” - nữ đại biểu kết thúc phần thảo luận.