Thủy điện là “công thần” hay “tội đồ” gây nên lũ chồng lũ?

(Dân trí) - Vai trò của thủy điện và tình trạng lũ lụt ở miền Trung đang làm dấy lên tranh luận trái chiều. Trong lúc dư luận nghi ngờ thì giới chuyên gia khẳng định thủy điện “gánh” lũ cho hạ du.

Thủy điện là “công thần” hay “tội đồ” gây nên lũ chồng lũ? - 1

Thủy điện được cho là tham gia vào quá trình điều tiết, giảm lũ, nhưng việc xây dựng thủy điện có thể ảnh hưởng đến tình trạng mất rừng, gây bất ổn địa chất...

 Tranh luận gay gắt về thủy điện, đây có phải “tội đồ” khiến “lũ chồng lũ”?

Tại tọa đàm về “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” vừa diễn ra sáng ngày 30/10, thủy điện đã được đưa lên bàn cân lợi ích.

Có hai luồng ý kiến lớn: Luồng ý kiến thứ nhất là ủng hộ chủ trương phát triển thủy điện, giải quyết vấn đề năng lượng và phát triển. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng cần hạn chế tối đa thủy điện nhỏ, vì đây là nguyên nhân gây “lũ chồng lũ”. Vừa qua, mưa lớn kéo dài cộng với nhiều hồ thủy lợi, thủy điện xả tràn làm nhiều khu dân cư ở miền Trung thêm ngập lụt, chia cắt.

Theo PGS. TS. Vũ Thanh Ca - giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo nhận định, không có đập thủy điện, lũ vẫn thế thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều.

Ông Ca đánh giá, Việt Nam không phải là nước phát triển quá nhiều thủy điện. Thậm chí, so với thế giới, số lượng thủy điện của Việt Nam chưa thấm vào đâu.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nêu ra một loạt tác động không thể phủ nhận trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện như: Lợi dụng phá rừng lấy gỗ, ảnh hưởng đến thủy sinh, việc đào đất làm hồ sẽ tạo nên sự bất ổn định có thể gây nên sạt lở một số khu vực, ảnh hưởng cấu trúc địa chất…

“Theo đánh giá của các tổ chức ở các nước phát triển, không báo cáo nào chỉ ra tác hại của thủy điện là gây lũ lụt” - ông Ca nói. Ông Ca cho biết bản thân không ủng hộ phát triển nhiều thủy điện, thay vào đó phát triển các dạng năng lượng khác. Khi phát triển bất kỳ một dự án thủy điện nào, ông Ca cho rằng cũng cần hết sức thận trọng trong thiết kế thi công, đánh giá tác động môi trường.

Bao nhiêu thủy điện ở Việt Nam?

Cũng tại tọa đàm nói trên, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương - khẳng định: Thời gian vừa qua, Bộ này không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên kể từ năm 2016.

Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội. Hiện còn khoảng hơn 800 thủy điện các loại, trong đó có hơn 600 đang vận hành.

Ông Quân cho biết, những dự án thủy điện nhỏ dưới 3MW là dừng, là loại bỏ khỏi quy hoạch. Ngoài ra các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… cũng hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch.

Bộ Công Thương: Không có thủy điện Đak Mi 4, lũ có thể vượt mức lịch sử

Trước thông tin thủy điện Đak Mi 4 xả xuống hạ du lượng nước có thể lên đến hơn 11.000 m3/giây, nhiều khả năng gây nên đợt lũ lịch sử ở tỉnh Quảng Nam, Bộ Công Thương vừa chính thức lên tiếng.

Bộ này cho hay, từ đầu năm 2020, tính trung bình từ ngày 1- 28/10/2020 lưu lượng lũ về hồ Đak Mi 4 chỉ là 775,57 m3/s. Tuy nhiên, xuất hiện chiều ngày 28/10, đỉnh lũ đã lên tới 15.571,47 m3/s gấp 20 lần so với bình thường. Thủy điện Đak Mi 4 đã tích lại hồ được 70 triệu m3 nước, trong khi đó dung tích hữu ích của hồ 158 triệu m3 nước, chiếm 45%.

“Như vậy, nếu không có Đak Mi 4 và quy trình vận hành an toàn, nghiêm ngặt thì vùng Đại Lộc và hạ lưu sông Vu Gia sẽ lên trên mức báo động 3, có thể vượt mức lũ lịch sử năm 2009 vài mét và không loại trừ xảy ra thảm họa”, Bộ Công Thương cho biết.

Cách mà Đak Mi 4 và một số hồ thủy điện “gánh” một phần lũ cho hạ du, theo lý giải của Bộ Công Thương là: Thủy điện là một dạng hồ chứa dùng để điều tiết nước kết hợp với phát điện. Khi mưa lũ, thủy điện có nhiệm vụ tích nước, lượng nước tích lại chính là lượng lũ giảm đi nhờ hồ thủy điện.

Nếu mưa lũ tiếp tục, đến một ngưỡng thứ nhất, gọi là ngưỡng xả, hồ thủy điện bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ. Khi mực nước trong hồ đạt tới ngưỡng thứ 2, hồ sẽ xả nước với lưu lượng lớn hơn nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là lượng nước xả không vượt quá mức nước lũ về hồ thủy điện.

Nếu không có hồ thủy điện, thì toàn bộ lượng nước trong mưa lũ đã tràn xuống khu dân cư từ trước khi nó xả.

Bộ Công Thương yêu cầu liên tục kiểm tra, đánh giá tình trạng đập thủy điện

Trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương yêu cầu chủ đập thủy điện tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để chủ động báo cáo cấp thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Bộ yêu cầu các chủ đập thủy điện nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành đảm bảo an toàn công trình.

Đồng thời, các chủ đập thủy điện phải liên tục kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có) để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải xả lũ.