1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thương vụ sáp nhập Habubank - SHB: Chờ cổ đông "chốt hạ"

(Dân trí) - Dự kiến, mối "lương duyên" giữa hai ngân hàng này sẽ tạo ra một định chế tài chính với vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng cùng 5.000 nhân viên, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước.

Thương vụ sáp nhập Habubank - SHB: Chờ cổ đông chốt hạ


Theo thông tin từ Ngân hàng CP Nhà Hà Nội (Habubank) công bố chiều nay, trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2011 diễn ra ngày 28/4 tới, nội dung mua bán - sáp nhập giữa ngân hàng này và Ngân hàng CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ chính thức được đưa vào chương trình.

Cũng trong chiều nay, công bố bản tóm tắt “Dự thảo Đề án sáp nhập Ngân hàng HBB vào Ngân hàng SHB”, đại diện HBB cho biết, đây là một quyết định đã được HĐQT của HBB cân nhắc một cách cẩn trọng trên cơ sở đảm bảo tối đa quyền lợi cho các cổ đông, cán bộ nhân viên trong điều kiện hiện nay của ngân hàng.

Cuộc "hôn nhân" tự nguyện

Trong bản đề án, HĐQT Habubank đưa ra 6 cái lợi lớn mà Habubank cũng như SHB sẽ đạt được nếu như thương vụ thành công.

Theo đó, thứ nhất, thỏa thuận này sẽ giúp 2 ngân hàng sáp nhập tiến tới trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn.

Thứ hai, ngân hàng sáp nhập có cơ hội để cùng điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau giai đoạn sáp nhập.

Thứ ba, mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn.

Thứ tư, bổ sung lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, trong quản lý chi phí.

Thứ năm, những điểm mạnh của SHB sẽ hỗ trợ cho HBB và ngược lại HBB có nhiều điểm mạnh để hỗ trợ SHB.

Thứ sáu, còn nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của NHNN trong quá trình sáp nhập do việc sáp nhập nằm trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Dự kiến, mối lương duyên giữa hai ngân hàng này sẽ tạo ra một định chế tài chính với vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng và 5.000 nhân viên, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước. Lượng khách hàng được nâng lên đến 500.000 khách hàng.

Ngân hàng mới sẽ có các công ty con gồm ông ty chứng khoán và công ty quản lý tài sản của Ngân hàng, địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia

Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu của cổ đông HBB sau khi sáp nhập vào SHB theo như Dự thảo sẽ là 1 cổ phần HBB bằng 0,75 cổ phần SHB.  Tổng số cổ phần mà cổ đông HBB nhận khi hoán đổi sẽ được làm tròn theo nguyên tắc làm tròn xuống số nguyên gần nhất.

Trong thông báo của mình Habubank cho biết, việc sáp nhập HBB vào SHB là việc chuyển toàn bộ trách nhiệm và nghĩa vụ của HBB với các khách hàng, đối tác, nhân viên cho SHB kể từ ngày nhận sáp nhập. Đề án đã được các bên thông qua và NHNN ủng hộ, cán bộ nhân viên của NH sau sáp nhập sẽ là tổng số cán bộ nhân viên của 2 ngân hàng hiện nay và được đảm bảo các quyền lợi chung giống nhau.

Thương vụ sáp nhập Habubank - SHB: Chờ cổ đông chốt hạ

Diễn biến giao dịch cổ phiếu HBB từ 12/3 đến 25/4 (nguồn HNX). 

"Gánh nặng" từ Vinashin
 
Tại dự thảo, HĐQT Habubank nhìn nhận, trong bối cảnh hiện tại, các khoản vay từ nhóm khách hàng Vinashin đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng, nhất là với chi phí vốn ngày càng cao.

Thực trạng này đã ảnh hưởng đến kết quả tài chính, khiến chất lượng tài sản có từ năm 2011 và đến nay bị suy giảm rất nhiều.

“Với tình hình như vậy thì ngân hàng cần có ngay các giải pháp tích cực để giải quyết tình trạng này một cách có hiệu quả. Một trong những giải pháp tích cực nhất là thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoạt động một cách toàn diện thông qua hoạt động sáp nhập với TCTD khác” - trích tóm tắt dự thảo.

Mặt khác, Habubank thừa nhận, một trong những vấn đề trọng yếu thời gian qua của mình là thiếu kế hoạch mở rộng hoạt động và phát triển kinh doanh đủ tham vọng nên đã phải gánh những hậu quả đáng tiếc cho Ngân hàng: không có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ khi thị trường khủng hoảng; không có khả năng thích nghi tốt khi tình hình có những dấu hiệu bất lợi đối với thị trường/sản phẩm truyền thống của Ngân hàng.

Và với những khó khăn trước mắt thì HĐQT ngân hàng kỳ vọng rằng, việc xây dựng phương án sáp nhập phù hợp tham gia tiến trình này một cách chủ động và nâng cao được khả năng cạnh tranh của mình.

Tất nhiên, bên cạnh đó, lý do cần thực hiện sáp nhập cũng xuất phát từ việc ngân hàng phải chịu áp lực tái cơ cấu để nâng cao năng lực tài chính, cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng trưởng về quy mô và thị phần theo chủ trương chung của ngành ngân hàng.

 Cần 81% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận

Theo Thông tư 04 của NHNN thì các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại phải có trách nhiệm bảo mật thông tin để các tổ chức tín dụng được hoạt động ổn định trước khi Đề án sáp nhập, hợp nhất, mua lại được cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua.

Trường hợp Habubank đang là một ngân hàng niêm yết thì phải chờ quyết định ở 3 cấp thẩm quyền là đại hội đồng cổ đông, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bên cạnh đó, “đáp án” cuối cùng rằng hai ngân hàng này có về cùng một nhà hay không thì vẫn còn phải chờ sự quyết định của 81% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận của cổ đông tại đại hội như theo Điều lệ Habubank.

Đây cũng chính là thời điểm mà các cổ đông của ngân hàng thể hiện được quyền làm chủ của mình.

Trên thực tế, M&A vẫn là một giải pháp tái cấu trúc nhìn chung đang được NHNN ủng hộ nhằm hướng hệ thống đến “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Trường hợp của SHB và HBB hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, trong khi đó, theo như lời Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến thì trong năm 2012 này, “NHNN có thể thực hiện các biện pháp để buộc sáp nhập và mua lại trong một vài trường hợp cần thiết, phù hợp với những quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

“Mối lương duyên” này của Habubank và SHB nếu thành thì sẽ là một bài toán mẫu cho việc sáp nhập các ngân hàng niêm yết và là tiền lệ cho một trào lưu sáp nhập về sau.

Tính từ thời điểm ngày 12/3 khi thông tin sáp nhập giữa hai ngân hàng rò rỉ ra thị trường thông qua kênh báo chí thì cổ phiếu HBB liên tục tăng mạnh với khối lượng cổ phiếu giao dịch lớn. Riêng trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu HBB tăng trần 2,94%, lên 7.000 đồng/cp.

Bích Diệp