Thương vụ chuyển nhượng CT2-105 Usilk City - Nỗi niềm người trong cuộc
Sau 02 năm kể từ ngày dự án CT2-105 Usilk City được Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô khởi động lại với tên gọi HPC Landmark 105, được biết dự án đang chuẩn bị hoàn thành để bàn giao nhà cho khách hàng. Sau thành công này, liệu Hải Phát Thủ đô có “giải cứu” nốt các tòa còn lại của Usilk City không? Những kinh nghiệm và bài học nào có thể đúc rút cho các dự án tiếp theo?
Mang theo những câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô (HPTĐ).
Cách đây 02 năm, sự việc HPTĐ quyết định mua lại dự án CT2-105 Usilk City từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư bất động sản. Ông có thể cập nhật tình hình dự án đến thời điểm hiện tại?
Dự án CT2-105 được Hải Phát Thủ đô tiếp quản và triển khai thi công lại từ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2015, ngay sau khi nhận được sự đồng thuận của khách hàng về việc chuyển nhượng dự án.
Tháng 12/2016, dự án đã hoàn thành thi công cất nóc tầng 50, và được triển khai cuốn chiếu hoàn tất các hạng mục xây trát, lắp dựng cửa kính, lô gia, lắp đặt hệ thống điện nước. Hiện tại, dự án đang được gấp rút thực hiện các hạng mục cuối cùng như sơn mặt ngoài, ốp lát, hoàn thiện nội thất tủ âm tường, tủ bếp, v.v. Cho đến lúc này, chúng tôi có thể khẳng định dự án bảo đảm tiến độ theo đúng kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn cuối cùng, toàn thể cán bộ nhân viên Ban QLDA và các nhà thầu càng phải tập trung chú ý hơn nữa để có thể hoàn thành công trình, bàn giao nhà trong Quý I/2018, thực hiện đúng cam kết của Hải Phát Thủ đô trước khách hàng.
Như vậy, có thể coi việc giải cứu dự án CT2-105 đã bước đầu thành công. Hải Phát Thủ đô có dự định giải cứu nốt các tòa còn lại thuộc dự án Usilk City?
Đến thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn khẳng định về tiến độ, chất lượng thi công được bảo đảm, nhưng chưa đủ để có thể coi là việc giải cứu dự án đã thành công.
Về phía khách hàng cũ, vẫn còn một bộ phận khách hàng chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi sang chủ đầu tư mới, hoặc cố tình không đồng ý với việc chuyển nhượng dự án sang chủ đầu tư mới. Về phần bán mới, do việc lan truyền thông tin từ khách hàng cũ khiến cho việc bán hàng của Hải Phát Thủ đô bị ảnh hưởng.
Đối với chủ đầu tư, dù không muốn nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, tỷ lệ bán hàng thấp, một bộ phận khách hàng cũ không ủng hộ, nguồn thu chậm là các yếu tố cho thấy việc giải cứu dự án đã có phần thất bại, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô đã và đang gặp nhiều khó khăn tại dự án CT2-105. Với kết quả như vậy, tại thời điểm này chúng tôi chưa thể nói gì về kế hoạch tiếp theo đối với dự án Usilk City.
Xin ông có thể chia sẻ rõ thêm về những khó khăn của Hải Phát Thủ đô tại dự án CT2-105? Hải Phát Thủ đô đã và đang làm gì để khắc phục những khó khăn đó?
Trong 02 năm kể từ thời điểm bắt tay vào dự án CT2-105, phải nói là chúng tôi đã gặp rất nhiều vấn đề phát sinh nằm ngoài dự kiến so với kế hoạch ban đầu. Trước tiên là về thời gian thực hiện thủ tục xin phê duyệt việc chuyển nhượng dự án của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kéo dài hơn dự kiến rất nhiều.
Tính từ thời điểm Hải Phát Thủ đô và Sông Đà Thăng long ký hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng dự án và tổ chức Hội nghị khách hàng vào ngày 24/10/2015, đến ngày 29/3/2017 UBND Thành phố Hà Nội mới ra Quyết định số 1983/QĐ-UBND về việc cho phép chuyển nhượng môt phần dự án (Tòa CT2-105), kéo dài hơn 1 năm rưỡi. Lý do là nhiều vấn đề pháp lý phát sinh từ phía chủ đầu tư cũ Sông Đà Thăng Long, cụ thể như: dự án Usilk City nhận quyết định thanh tra toàn diện dự án; Sông Đà Thăng Long bị phạt cưỡng chế hóa đơn do nợ đọng thuế; Vướng mắc trong hướng giải quyết khoản nợ thuế của Sông Đà Thăng Long, v.v.
Khó khăn lớn thứ hai là về tài chính: Hải Phát Thủ đô đã tiếp quản mặt bằng và ứng vốn triển khai thi công ngay từ cuối năm 2015, với mục tiêu sớm đưa dự án hoàn thành, bàn giao nhà cho các khách hàng đã chờ đợi gần chục năm. Nhưng thời gian thẩm định phê duyệt chuyển nhượng dự án kéo dài, khiến cho dự án chưa đủ điều kiện pháp lý để bán hàng mới cũng như thu tiền từ khách hàng cũ, Hải Phát Thủ đô phải tự lo nguồn vốn để đảm bảo tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải chi trả nhiều khoản phát sinh tăng thêm rất lớn so với thỏa thuận ban đầu, như: thay Sông Đà Thăng Long nộp tiền nợ thuế (tiền gốc và tiền phạt chậm nộp) lên đến 79 tỷ đồng; ứng toàn bộ chi phí đầu tư hoàn thiện khu dịch vụ tầng 4 và khối đế Tòa CT1-101,102,103 để bảo đảm đồng bộ các tiện ích và hạ tầng chung toàn dự án.
Khó khăn lớn thứ ba, cũng là khó khăn “bất ngờ” nhất đối với chúng tôi, đó là phản ứng của khách hàng cũ. Theo lẽ thông thường, những tưởng rằng toàn thể khách hàng sẽ sát cánh cùng chúng tôi trong việc tái khởi động dự án. Nhưng bên cạnh các khách hàng đồng thuận chuyển đổi chủ đầu tư sang Hải Phát Thủ đô và tiếp tục đóng tiền, một bộ phận không nhỏ khách hàng không hợp tác, không ký phụ lục hợp đồng, không đóng tiền, thậm chí còn đưa ra thông tin thất thiệt về Hải Phát Thủ đô và dự án, gây ảnh hưởng đến cả việc bán hàng mới của chúng tôi.
Như vậy, có vẻ công cuộc giải cứu dự án CT2-105 của Hải Phát Thủ đô không hề thuận lợi như dự kiến. Vậy, kế hoạch tiếp theo của Hải Phát Thủ đô là gì, sẽ dừng lại việc đưa dự án CT2-105 về đích hay tiếp tục triển khai? HPTĐ có kế hoạch tiếp tục mua lại các tòa còn lại của dự án Usilk City hay không?
Đến thời điểm này, cho dù có nhiều khó khăn về rào cản pháp lý, gánh nặng tài chính, nhưng Hải Phát Thủ đô cũng đã vượt qua, và vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Chúng tôi chắc chắn quyết tâm hoàn thành dự án đến cùng, chúng tôi tin rằng nếu dự án được hoàn thành vẫn mang lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng CT2-105 nói riêng và cả những lợi ích chung cho cộng đồng, cho bộ mặt đô thị.
Vâng, xin chân thành cảm ơn những chia sẻ rất tâm huyết của ông.