Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Xuất xứ thương hiệu liệu có quan trọng hơn xuất xứ sản phẩm?

Trường Thịnh

(Dân trí) - "Made in" chỉ đơn thuần là một cái nhãn đánh dấu nơi sản xuất và lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm trước khi đóng gói. Vì vậy theo các chuyên gia, giá trị của "Made in" thực ra không đáng kể như nhiều người tưởng khi chỉ chiếm từ 3-5% giá trị sản phẩm.

Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 29% từ 247 tỉ USD năm 2019 lên 319 tỷ năm 2020. Đồng thời, tăng thêm 9 hạng từ hạng 42 lên hạng 33 thế giới và Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh trên thế giới, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do dịch bệnh.

Tích cực là vậy, nhưng khi mang thương hiệu Việt ra đấu trường quốc tế, không ít doanh nghiệp thấm thía cảnh bị đối tác nước ngoài từ chối để sản phẩm của mình gắn mác "Made in Việt Nam". Đây chỉ là một trong rất nhiều khó khăn khi doanh nghiệp Việt "đem chuông đi đánh xứ người".

Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Xuất xứ thương hiệu liệu có quan trọng hơn xuất xứ sản phẩm? - 1
Các diễn giả trao đổi, thảo luận tại tọa đàm "Định vị & Nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập"

Tại Tọa đàm "Định vị & Nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kì mới, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, hiện nay, ở Việt Nam đang xây dựng và định vị thương hiệu quốc gia dựa trên thương hiệu sản phẩm, vì vậy, tiêu chí đầu tiên đối với doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận thương hiệu quốc gia thì phải là doanh nghiệp Việt, được đăng kí tại Việt Nam, sản phẩm mang ra xét chọn phải được sản xuất tại Việt Nam.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Xuất xứ thương hiệu liệu có quan trọng hơn xuất xứ sản phẩm? - 2
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse thì doanh nghiệp đăng kí thương hiệu ở đâu thì là thương hiệu của quốc gia đó. Đặc biệt, quan trọng nhất là phần giá trị mà thương hiệu đó để lại quốc gia đó là bao nhiêu, ai đứng ra chịu trách nhiệm về sản phẩm đó trước người dùng chứ không nên quá quan trọng là "Made in" ở đâu.

"Nguyên tắc của doanh nghiệp là tìm đến những nơi có thể tạo ra sản phẩm tốt nhất và rẻ nhất cho người tiêu dùng, họ không quan tâm là nhà máy đặt ở đâu. Ví dụ như Samsung đặt nhà máy tại Việt Nam, nguyên liệu có thể nhập từ Trung Quốc miễn là làm ra sản phẩm có giá thành tốt nhất và chất lượng đạt chuẩn của quốc gia đó quy định", ông Phú nêu ví dụ.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Xuất xứ thương hiệu liệu có quan trọng hơn xuất xứ sản phẩm? - 3
Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse.

Chủ tịch Sunhouse nhấn mạnh, bản chất của thương hiệu là lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm đó, nó thể hiện sự khác biệt của sản phẩm đó với sản phẩm khác cùng loại. Vậy nên, một sản phẩm được công nhận đạt "Thương hiệu quốc gia" chắc chắn sẽ làm tăng niềm tin, mang lại giá trị vô cùng lớn không thể đo đếm được bao nhiêu tiền. Bởi vậy, giá trị thương hiệu rất quan trọng, nó nắm khoảng 20-30% trong tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

"Made in" theo quan điểm của ông Phú chỉ là 1 khâu trong chuỗi để tạo ra giá trị sản phẩm. Ví dụ, từ nguyên liệu đến sản phẩm thông thường thì giá thành sản phẩm chỉ chiếm khoảng 30-35%, trong đó thì giá nhân công sản xuất chỉ chiếm 3-5%; nguyên vật liệu chiếm 20-25%. Còn lại là chi phí lưu thông chiếm khoảng 10-15%; thuế nhà nước thu từ 5-10%, giá trị thương hiệu nắm khoảng 15-20%; lợi nhuận của chủ doanh nghiệp chiếm từ 5-20%.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Xuất xứ thương hiệu liệu có quan trọng hơn xuất xứ sản phẩm? - 4
Năm 2020, Sunhouse tiếp tục là thương hiệu duy nhất trong ngành hàng gia dụng có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia

Dẫn chứng từ chính doanh nghiệp của mình, ông Phú cho biết SUNHOUSE là thương hiệu được đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam, là một thương hiệu Việt. Nhưng hiện tại SUNHOUSE sản xuất khoảng 70% tổng sản lượng tại Việt Nam, 30% còn lại được đặt hàng OEM tại nước ngoài. Bản thân giá trị hàng hóa chỉ chiếm 30 - 35% trong giá bán, nên với những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể để lại 80% giá trị cho đất nước. Với các sản phẩm OEM, vẫn để lại từ 60-70% giá trị. Điều này có nghĩa Sunhouse đang để lại hầu như toàn bộ giá trị, ví dụ doanh thu của Sunhouse là 5.000 tỷ đồng thì giá trị để lại sẽ được tính trên 3.500 tỷ đồng. Đây là phần giá trị vô cùng lớn so với các sản phẩm đa quốc gia "made in Vietnam" nhưng họ chỉ để lại ở Việt Nam 3% giá trị, dù doanh thu của họ là khổng lồ, đó là còn chưa kể đến tác động của "made in" tới môi trường là vô cùng lớn.

Tất nhiên, chuyện đưa thương hiệu ra nước ngoài không phải đơn giản, phải theo từng bước, từng bước, mà mỗi doanh nghiệp phải lần mò. Nhưng dần dần, từ doanh nghiệp, người dân hiểu đúng về thương hiệu, quốc gia tạo lập các chính sách tốt, thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều thương hiệu nổi tiếng, nhiều thương hiệu ra toàn cầu, đương nhiên thương hiệu quốc gia cũng sẽ phát triển.