1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thuốc lá điện tử nhập lậu tràn lan thị trường: Cấm hay cho phép kinh doanh?

Ninh An

(Dân trí) - Các cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất nên cấm hay cho phép kinh doanh thuốc lá điện tử như thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên các bên đều thống nhất cần sớm có khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả.

Tranh luận nảy lửa về quản lý thuốc lá điện tử

Thực tế hiện nay dù thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến nhưng Việt Nam chưa có chính sách quản lý rõ ràng. Nguyên nhân của vấn đề này là các cơ quan quản lý chưa thống nhất được quan điểm. Cụ thể, Bộ Công thương muốn thí điểm cũng như dự kiến đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh quản lý kinh doanh tương tự thuốc lá truyền thống. Trong khi đó, Bộ Y tế yêu cầu cấm đối với loại hình này.

Vấn đề chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới một lần nữa tạo ra tranh luận nảy lửa giữa đại diện các cơ quan quản lý tại hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" được tổ chức sáng 19/3 tại Hà Nội. 

Đại diện Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết phần lớn thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là hàng hóa nhập lậu, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng để xác định đây là mặt hàng dạng cấm hay kinh doanh có điều kiện hay hàng hóa thông thường chưa có. 

Đơn vị này cho biết sau khi rà soát lại các luật quy định hiện hành không có quy định xác định thuốc lá thế hệ mới là mặt hàng cấm. Hàng hóa này hiện được xử lý theo dạng hàng nhập lậu hoặc hàng hóa chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Mức xử phạt cao nhất là 50 triệu đồng với cá nhân, 100 triệu đồng với tổ chức. Trong khi đó, với thuốc lá truyền thống có thể xử lý theo Bộ Luật Hình sự.

Phía Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng cần có khuôn khổ pháp lý rõ ràng để ngăn chặn hành vi nhập lậu cũng như giải quyết những vấn đề về gian lận thương mại.

Ông Lê Đại Hải, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) trả lời câu hỏi tại sao chưa có khuôn khổ pháp lý quản lý với thuốc lá điện tử. Ông cho biết tại thời điểm xây dựng văn bản pháp luật về phòng chống tác hại về thuốc lá, các sản phẩm này chưa phổ biến.

Những quy định pháp luật vẫn điều chỉnh đối với thuốc lá truyền thống. Pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Hiện nay các bên vẫn tranh cãi liệu thuốc lá thế hệ mới có phải là thuốc lá hay không. Ông Hải cho rằng việc tranh cãi đã diễn ra trong nhiều năm và đã đến lúc cần đưa vào khuôn khổ pháp lý để quản lý.

Ông Hải nêu quan điểm khi đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý thì sẽ có những tiêu chuẩn quản lý về chất lượng, kiểm định sản phẩm cũng như chống thất thu thuế, ngân sách Nhà nước.

Thuốc lá điện tử nhập lậu tràn lan thị trường: Cấm hay cho phép kinh doanh? - 1

Đại diện các cơ quan quản lý trao đổi tại hội thảo (Ảnh: Hải Nam).

Đối lập với các cơ quan khác, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) kiên định với quan điểm cấm thuốc lá thế hệ mới. Bà Thủy cho biết các diễn giả tại hội thảo chia sẻ về việc giảm hại của thuốc lá điện tử, nhưng WHO không cho rằng các sản phẩm này có thể giảm hại so với thuốc lá truyền thống.

Đại diện Bộ Y tế cho biết với tư cách là cơ quan làm pháp luật, Bộ cần những bằng chứng khoa học cụ thể để từ đó có cơ sở để trình lên Chính phủ, Quốc hội. Bà Thủy lấy dẫn chứng các nước có thể cho phép dùng súng, ma túy, mại dâm nhưng Việt Nam thì không.

Đại diện Bộ Y tế lo ngại việc đưa thuốc lá thế hệ mới vào thì cơ quan quản lý có thể quản lý được các sản phẩm bán ra thị trường hay không khi hiện nay chỉ có Tổng công ty thuốc lá Việt Nam mới có thể xét nghiệm được chất nicotine. Các cơ quan quản lý của Nhà nước chưa đủ năng lực để xét nghiệm được chất này.

Bà Thủy lo ngại năng lực quản lý chưa thể đáp ứng khi thêm loại hình thuốc lá mới trong bối cảnh lượng người sử dụng thuốc lá truyền thống đã rất nhiều, chưa kể đến các tác động về sức khỏe khác.

"Thực tế chưa có văn bản quản lý rõ ràng nên dẫn đến hiện tượng nhập lậu như đại diện các cơ quan trình bày. Bộ Y tế nhất trí cần có biện pháp quản lý nhưng quản lý như thế nào cần phải làm rõ thêm. Chúng tôi sẽ có báo cáo tác động trình lên Chính phủ và gửi các bên để cùng nhau đánh giá khách quan, công bằng và công tâm", bà Thủy khẳng định.

Không đồng tình với quan điểm của Bộ Y tế, ông Nguyễn Sĩ Cương, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng thực tế các sản phẩm này vẫn được sản xuất, tiêu thụ. Thuốc lá điện tử không được cấp phép nhưng để mua rất dễ, mua ở đâu cũng có. Quan điểm cá nhân ông cho rằng tư duy "không quản được thì cấm" là một trong những cách làm đối phó của cơ quan Nhà nước.

Tư duy chính sách nên đi theo hướng nào?

Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng một loại hàng hóa muốn cấm hay không cấm sẽ có 3 cách, bao gồm: thả nổi (tự thị trường điều chỉnh), Nhà nước can thiệp (cấm), cho phép nhưng có điều kiện.

Ông Thành cho biết có một số bài học về chính sách kinh tế đối với người làm kinh tế. Thứ 1 là nhiều quyết định chính trị không đủ sức mạnh như sức mạnh thị trường. Ví dụ phương Tây áp các lệnh cấm vận với Nga nhưng vẫn có con đường khác để các bên kinh doanh với nhau.

"Thứ 2, khi cấm mà vẫn có trên thị trường thì cách ứng xử chính sách thay vì lập một con đê ngăn thì tốt hơn là xẻ dòng nước", ông Võ Trí Thành nhận định.

Ông cho rằng các nhà làm luật đều mong muốn chính sách tốt nhất là ai cũng tuân thủ nhưng khi không thể làm được chính sách này thì cần làm chính sách tốt thứ 2. Ví dụ đối với thuốc lá thế hệ mới có thể "xẻ dòng nước" cho giai đoạn đầu sau đó sẽ cấm thuốc lá khi điều kiện Việt Nam cho phép.

Ông Thành đồng ý cần có khuôn khổ pháp lý cho thuốc lá mới, coi đó là ngành sản xuất kinh doanh, đầu tư thương mại có điều kiện, phải có những đánh giá tác động cũng như chống được buôn lậu, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

Chuyên gia cho rằng cần có những bước chuyển về chính sách để tạo động lực, chuyển dịch hành vi thị trường thay vì gây ra cú sốc đột ngột. Ông cũng cho biết thêm để đưa đến quyết định cấm hay không, cho phép hay không cho phép cần có nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán độ co giãn so với thu nhập người tiêu dùng, mức độ dịch chuyển hành vi.  

Kết thúc hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý và đại biểu đều thống nhất tính cấp thiết phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Một khung pháp lý hoàn thiện sẽ bao gồm quy định về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, điều kiện kinh doanh, sản xuất, xuất - nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa.