Thuê "người sắp mất" lập công ty, làm giả hồ sơ gia công để trốn thuế

(Dân trí) - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (TCHQ) vừa phát hiện và có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị khởi tố vụ thuê người thành lập công ty, giả mạo hồ sơ gia công quốc tế để nhằm mục đích trốn thuế tại Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Trọng

Cụ thể, theo điều tra của cơ quan Hải quan, từ khi thành lập (03/2015 đến 24/3/2016) Công ty này đã mở 41 tờ khai xuất gia công 233 container thép phế liệu, tổng trọng lượng 5.592 tấn, trị giá 1,5 triệu USD. Theo mức thuế hiện hành, mặt hàng thép phế liệu không gỉ xuất khẩu có mức thuế suất là 15%; thì tổng số tiền thuế công ty phải nộp cho 41 tờ khai trên tạm tính là 5,1 tỷ đồng.

Thep phe liệu nhập nhập khẩu (ảnh minh họa)
Thep phe liệu nhập nhập khẩu (ảnh minh họa)

Theo TCHQ, Cty Minh Trọng có địa chỉ tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên do Lại Quốc Anh là người đại diện theo pháp luật của Công ty. Từ ngày 07/01/2016, Lại Quốc Anh đã chuyển nhượng Cty TNHH Minh Trọng cho bà Nguyễn Thị Miên là chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật - Giám đốc Công ty.

Qua xác minh của Cục Điều tra chống buôn lậu, bước đầu xác định: Cty Minh Trọng đã có hành vi giả mạo hồ sơ đặt gia công ở nước ngoài nộp cho cơ quan hải quan làm thủ tục xuất khẩu theo loại hình xuất gia công để trốn thuế.

Để đối phó với cơ quan chức năng và trốn tránh trách nhiệm hình sự đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn gian dối ngay từ khi thành lập Công ty đã thuê những người như công nhân, người bệnh nặng sắp mất không có trình độ, hiêu biết để làm Giám đốc - đại diện theo pháp luật của Công ty.

Quá trình điều tra, cơ quan Hải quan cho biết, để làm thủ tục xuất khẩu cho các lô hàng theo 41 tờ khai trên, Công ty Minh Trọng đã xuất trình cho cơ quan Hải quan duy nhất 01 hợp đồng ký với một công ty Tarsan International Pte Ltd ở Singapore về việc thuê gia công thép phế liệu không gỉ thành thép không gỉ dạng cuộn và thanh.

Qua thu thập thông tin, lực lượng chức năng phát hiện các lô hàng này lại được chuyên chở tới các nước đích khác nhau như Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan… Tuy nhiên, qua truy suất Hải quan từ trang web của Công ty Tarsan International Pte. Ltd ở Singapore thì Công ty này không có chi nhánh, nhà máy tại các nước trên.

Hải quan khẳng định: Công ty Tarsan không ký bất kỳ hợp đồng gia công với Cty Minh Trọng, đồng thời, người đứng tên ký hợp đồng không phải là nhân viên của Tarsan và Công ty này cũng không có số tài khoản ngân hàng như ghi trong hợp đồng.

Quá trình thu nhập thông tin, điều tra, Cục Điều tra chống buôn lậu xác định: hợp đồng thuê gia công mà Công ty Minh Trọng xuất trình cho cơ quan Hải quan để làm thủ tục cho các lô hàng thép theo loại hình xuất gia công là giả mạo nhằm mục đích trốn thuế.

Hai đối tượng là Lại Quốc Anh và Nguyễn Thị Miên đều nghề nghiệp công nhân, gia cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp... không có khả năng kinh tế, trình độ để thành lập công ty, điều hành và chỉ đạo việc xuất lậu để trốn thuế với số lượng, trị giá hàng hóa lớn (trên 30 tỷ đồng). Hơn nữa, xác minh tại Ngân hàng thể hiện Lại Quốc Anh và Nguyễn Thị Miên không có tài khoản tại Ngân hàng, cũng chưa từng đi rút tiền từ hoặc nộp tiền vào tài khoản của Công ty Minh Trọng.

Vụ việc được xác định là Lại Quốc Anh và Nguyễn Thị Miên chỉ ký các giấy tờ liên quan đến việc làm thủ tục, còn trực tiếp làm thủ tục hải quan đều do các đối tượng Nguyễn Thị Phượng, Cù Thị Thịnh... thực hiện. Cục Điều tra Chống buôn lậu khẳng định: Nguyễn Thị Phượng chính là người thành lập Công ty Minh Trọng, đứng sau điều hành hoạt động của công ty này.

Trao đổi với Dân trí chiều ngày 21/9, một cán bộ Tổng cục Hải quan cho biết, thông thường, mức áp thuế cho mặt hàng phế liệu xuất khẩu là 15% nên việc khai báo xuất khẩu như trên nhằm trốn thuế.

"Doanh nghiệp này khai xuất khẩu hàng để đưa đi gia công ở nước ngoài nhưng bản chất là để bán hàng cho nước ngoài. Vận đơn là vận chuyển đi nhiều nước: Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan nhưng lại khai báo xuất đi Singapore. Chúng tôi lại chỉ thấy hàng xuất đi mà không nhập trở lại cũng là một lý do đáng nghi ngờ. Hơn nữa, họ khai ký hợp đồng với đối tác bên Singapore nhưng thấy hàng trên vận đơn lại ký xuất đi Ấn Độ, Thái nên cơ quan Hải quan mới nghi ngờ dù chưa đến thời hạn đi hàng về. Và quả nhiên, nghi ngờ của chúng tôi là đúng", đại diện Tổng cục Hải quan nói.

Theo cơ quan Hải quan, khi bị phát hiện các đối tượng Lại Quốc Anh, Nguyễn Thị Miên, Nguyễn Thị Phượng, Cù Thị Thịnh... đã tìm mọi cách trốn tránh cơ quan Hải quan. Căn cứ vào kết quả điều tra có cơ sở xác định Công ty Minh Trọng vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu cấu thành Tội Buôn lậu theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự. Hiện Cục Điều tra chống buôn lậu đã có văn bản gửi Viện KSND tối cao đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố các bị can nói trên.

Nguyễn Tuyền