Tiêu điểm kinh tế tuần qua:
Thuế bảo vệ môi trường tăng chóng mặt vẫn đau đáu nỗi lo ô nhiễm
(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm cao nhất cùng kỳ 9 năm qua, đây là thông tin khiến công chúng vô cùng phấn khởi. Song cùng với đó, trong tuần qua, nhiều vấn đề cũng được đặt ra như nghịch lý thu thuế bảo vệ môi trường tăng song ô nhiễm nặng nề.
Thu thuế bảo vệ môi trường tăng chóng mặt nhưng vì sao ô nhiễm ngày càng nặng nề?
Từ khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường (năm 2012), tổng số thu từ sắc thuế này liên tục tăng, tăng gấp 6 lần từ hơn 11.000 tỷ đồng năm 2012 lên gần 69.000 tỷ đồng dự thu trong năm 2019, trong đó xăng dầu đóng góp đến hơn 90%.
Câu hỏi đặt ra là số tiền thuế hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm thu về đó được chi như thế nào cho việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh người dân ngày càng lo ngại về chất lượng môi trường hiện nay?
Đại diện Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tổng chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 -2016 là khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm.
Trong số đó, tổng số chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường khoảng 89.131 tỷ đồng, gồm chi thường xuyên bố trí trực tiếp là khoảng 52.420 tỷ đồng và phần chi thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất trồng lúa, phát triển rừng, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, duy tu đê điều, khuyến nông, công ích thủy nông... khoảng 36.711 tỷ đồng.
Cũng trong 5 năm trên, tổng chi đầu tư phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là khoảng 24.246 tỷ đồng. Số này chi cho các chương trình, dự án của ngành tài nguyên và môi trường; ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải và các Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu,...
Việt Nam tăng trưởng vượt dự báo và lời "gan ruột" của giới chuyên gia
Tăng trưởng của Việt Nam cao nhất gần 1 thập kỷ qua
Trong khi đó, báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm đạt 6,98% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất 9 năm qua . Cơ quan này khẳng định, kết quả tăng trưởng cao khẳng định sự quyết đoán, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, ngành vào mục tiêu tăng trưởng chung.
Còn theo báo cáo của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) mới đây, tăng trưởng của Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng ra thông báo đề cập đến tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, ADB khẳng định kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong năm 2019 và 2020, ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%.
Tuy đạt được nhiều thành tích song phải nhìn vào thực tế nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những điểm nghẽn khó giải quyết trong sớm chiều: giải ngân đầu tư công còn chậm chỉ đạt trên 40% Chính phủ giao và dưới 40% Quốc hội phê duyệt.
Trong khi đó, mặc dù Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ ban hành, nhiều chính sách lớn của Đảng, Chính phủ ra đời song hiệu quả trong thực tiễn vẫn chậm, nhiều nơi, nhiều chỗ tư tưởng Nghị quyết, quyết sách lớn của đất nước không được thực thi.
Năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 10 bậc, vẫn "thua" Malaysia, Thái, Indonesia
WEF đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của 141 nền kinh tế năm 2019, trong đó Việt Nam tăng 10 bậc từ vị trí 77 năm 2018 lên 67. Đây là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Trong thang điểm 100, Việt Nam được đánh giá đạt 61,5 điểm, tăng mạnh so với mức 58,1 điểm năm ngoái.
Trong 12 trụ cột đánh giá các chỉ số mà WEF đưa ra, Việt Nam được đánh giá cao nhất ở sức khỏe nền kinh tế với 81 điểm. Trong khi đó, chỉ số năng lực sáng tạo lại bị đánh giá thấp nhất khi chỉ được 37 điểm.
Dù vậy, năng lực sáng tạo của Việt Nam đã cải thiện điểm số so với trước và hầu hết trong thước đo, Việt Nam đều tăng điểm so với cùng kỳ năm trước.
Moody’s xem xét hạ mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam: Bộ Tài chính nói gì?
Ngày 9/10/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3).
Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Trong thông cáo mới phát đi, Bộ Tài chính cho rằng, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Bộ Tài chính làm rõ đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay.
Bộ Tài chính khẳng định, việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp.
Bộ Giao thông muốn trả dự án đường sắt “dính” hối lộ, “đội” vốn gấp 9 lần
Phối cảnh đường sắt đô thị tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi
Liên quan đến dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội đang được công chúng quan tâm, dự án này được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến là 28,7 km, tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, tiến độ 2007-2017.
Sau đó, dự án được điều chỉnh, đến nay phân kỳ đầu tư lại, trong đó giai đoạn I chỉ tập trung đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào, chủ yếu vẫn tập trung công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án.
Mặc dù chưa thể triển khai thi công, nhưng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án toàn tuyến ước tính khoảng hơn 81.000 tỷ đồng, tăng 9 lần so với kế hoạch ban đầu.
Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện đối với tổng thể dự án tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. Bộ GTVT chỉ làm chủ đầu tư với phần đường sắt quốc gia trong khu tổ hợp ga Ngọc Hồi, các hạng mục còn lại thuộc tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên (gồm cả phần đường sắt đô thị tại ga Ngọc Hồi) giao nhiệm vụ chủ quản đầu tư cho UBND TP. Hà Nội.
Mai Chi (tổng hợp)