1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng yêu cầu: Xử lý triệt để một số dự án ngành Công Thương

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về xử lý các tồn tại yếu kém, không hiệu quả của một số dự án và doanh nghiệp ngành Công Thương.

Nhà máy đóng tàu Dung Quất là 1 trong 12 đại dự án đang nằm trong diện phải xử lý của ngành công thương.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất là 1 trong 12 đại dự án đang nằm trong diện phải xử lý của ngành công thương.

Thông báo kết luận nêu rõ, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu, sản xuất nhiên liệu xăng dầu, hóa dầu, phân bón, thép, giấy,…phục vụ cho nền kinh tế, sản xuất và đời sống nhân dân. Trong những năm qua cùng với sự phát triển của đất nước, các doanh nghiệp Nhà nước có sự phát triển lớn mạnh, giữ vai trò chủ đạo, góp phần quan trọng trong khai thác tài nguyên, tiên phong thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển và điều hành của Chính phủ để phát triển kinh tế, xã hội thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, xây dựng đất nước.

Tuy nhiên thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong bối cảnh những khó khăn chung của kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, nhu cầu về các nguyên liệu, sản phẩm thiết yếu thay đổi, tính cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Trong khi đó công tác dự báo, đánh giá thị trường của các Tập đoàn, Tổng công ty còn hạn chế, trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến chi phí sản xuất cao, thua lỗ lớn đã xảy ra và còn tiếp tục thua lỗ trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong bối cảnh như vậy, cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp một cách khách quan, toàn diện để từ đó có giải pháp xử lý phù hợp, khẩn trương, kiên quyết nhằm sớm ổn định hoạt động các doanh nghiệp theo đúng chủ trương tái cơ cấu các doanh nghiệp của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản Nhà nước, theo nguyên tắc thị trường, không để đổ vỡ ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp khác.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phân loại từng dự án để xử lý cho phù hợp, không dùng ngân sách Nhà nước, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo từng đơn vị để xử lý các dự án, xem xét kỹ, toàn diện các mặt để có phương án xử lý sớm nhất, đồng bộ, hiệu quả tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Như tin đã đưa, tại phiên họp Thường trực Chính phủ hồi tháng trước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua bao gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.

Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác (đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai) đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.

Trao đổi với báo chí chiều 30/12, người đứng đầu ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Dự kiến năm 2017-2018 giải quyết dứt điểm, triệt để những dự án thua lỗ. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện giải quyết dứt điểm các dự án, đảm bảo hiệu quả và tài sản nhà nước, cần làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể”.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vấn đề này đã nhiều lần được đề cập tới và ngay tại phiên họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ cũng đã có báo cáo về 5 dự án thua lỗ ở trên, sau đó bổ sung thêm và đến nay là 12 dự án.

"Tình trạng tại các dự án này diễn ra trong thời gian dài thậm chí từ trước khi tập đoàn, tổng công ty được giao về Bộ Công Thương làm bộ chủ quản. Các quy chế pháp lý, khuôn khổ pháp luật liên quan đến quản trị doanh nghiệp lúc đó còn sơ sài và bộc lộ nhiều thiếu sót", ông nói.

Phương Dung