Thủ tướng: Xuất khẩu tôm phải đạt kim ngạch 10 tỷ USD trước năm 2025

(Dân trí) - Trước mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra phấn đấu đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu ngành tôm từ 8-10 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về tôm, do đó cần quyết tâm đạt mục tiêu này trước năm 2025.

Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán 2017.
Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán 2017.

Năm 2017 dự kiến xuất khẩu tôm đạt 3,3 tỷ USD

Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào ngày 6/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong vấn đề tổ chức tái cơ cấu nông nghiệp thì con tôm là một trong những đối tượng xác định hàng đầu.

Bộ trưởng Cường lý giải, một trong những lợi thế của Việt Nam là không gian phát triển con tôm, khi có cả một vùng ĐBSCL trù phú, với gần một triệu ha phát triển được con tôm. Trong đó, có đặc sản là con tôm sú, mà ít quốc gia nào có loại tôm này. Và cùng với tôm thẻ, tôm càng xanh,… thì có thể nói dư địa phát triển con tôm của Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, vẫn chưa có giới hạn về đầu ra con tôm, miễn là chúng ta làm tốt.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp và nuôi tôm do tình hình hạn hán, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL. Chỉ tính riêng trong 3 tỉnh trọng điểm (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Gang) tổng diện tích tôm thiệt hại khoảng trên 180.000 ha.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt của Bộ NN&PTNT, các địa phương, người nuôi bằng những giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả rất khả quan khi tổng diện tích thả nuôi là 694.645 ha (đạt 100,1% cùng kỳ 2015), với tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, bằng 109,5% so với năm 2015.

Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.

Từ năm 2017, theo Bộ NN&PTNT, tình hình thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước có thể có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Trong khi đó, dự báo sản lượng tôm của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có thể phục hồi tăng trưởng vào các năm 2017 và 2018 sau thời kỳ sụt giảm sản lượng do dịch bệnh. Đây sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho rằng, tiềm năng, lợi thế của ngành tôm là rất lớn khi điều kiện, thời tiết khí hậu (đặc biệt là vùng ĐBSL) là rất phù hợp để nuôi tôm. Trong khi đó, diện tích và sản lượng nuôi tôm sú nước ta hiện vẫn đang chiếm tỷ lệ rất cao trên thế giới. Đây là loài có giá trị thương mại cao, có thị trường ổn định và khả năng cạnh tranh lớn.

Theo Bộ Công thương, dự báo nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chủ lực trong năm 2017 sẽ tăng nên giá tôm ở mức cao, bên cạnh đó giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu trong năm 2016 tăng sẽ khích lệ nông dân và doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm trong năm 2017, do vậy có khả năng sản lượng tôm nguyên liệu tăng nhẹ. Dự kiến trong năm 2017 xuất khẩu tôm đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2016.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỷ USD; phấn đấu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu đạt 8-10 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan một gian hàng tôm bên lề hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan một gian hàng tôm bên lề hội nghị.

Ông Nguyễn Tiến Hải- Chủ tịch tỉnh Cà Mau cho biết, hiện Cà Mau chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước (278.000 ha). Trong năm 2016, dù có những bất lợi, nhưng Cà Mau vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.

“Có thể khẳng định rằng, Cà Mau là tỉnh có lợi thế lớn nhất so với cả nước trong phát triển nuôi tôm nước lợ và kinh tế thủy sản đã thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng thừa nhận, ngành kinh tế thủy sản phát triển chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh, khi diện tích chiếm khá lớn nhưng sản lượng chỉ đạt 23% so với cả nước. “Nguyên nhân chủ yếu do quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất còn nhiều bất cập, người dân tự ý chuyển đổi sản xuất không quy hoạch với tốc độ nhanh, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất ngành hàng tôm,…”, ông Hải lý giải.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm bổ sung Cà Mau và các tỉnh trọng điểm nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL vào danh mục quy hoạch phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Về tình hình nguồn vốn cho ngành tôm, ông Nguyễn Phước Thanh- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, khi xác định con tôm là chủ lực, ngành ngân hàng sẽ tập trung nguồn lực để có một chi phí hợp lý nhất cho các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với thế giới. “Xác định tổ chức sản xuất ngành tôm hợp lý thì nguồn tiền sẽ đưa ra mạnh mẽ hơn, ít rủi ro hơn”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam ngày 6/2 tổ chức tại tỉnh Cà Mau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam ngày 6/2 tổ chức tại tỉnh Cà Mau.

Thị trưởng ngành tôm còn rất lớn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Theo Thủ tướng, thị trường tôm còn rất lớn. “Thế giới này có trên 7 tỷ người, thì từ trẻ con đến người lớn đều ăn tôm và hầu như tất cả bữa tiệc thịnh soạn đều sử dụng tôm. Theo nghiên cứu, thị trường tôm trên thế giới yêu cầu trên 90 tỷ USD. Mà những nước sản xuất được tôm không phải là nhiều, vậy đây có phải là thời cơ cho ngành tôm của Việt Nam”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng cho rằng, mục tiêu chúng ta đưa ra phải chậm nhất trước năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 10 tỷ USD. Trong đó, tỉnh Cà Mau đến năm 2021 phấn đấu đạt 2 tỷ USD. “Chúng ta sẽ là thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng đối với thế giới. Ngành tôm phải phát triển bền vững và phấn đấu đạt 10% GDP quốc gia”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng, Việt Nam trước hết là ĐBSCL là thủ phủ của ngành nuôi trồng tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây chúng ta sẽ chứng kiến thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng chế biến tôm. Việt Nam phấn đấu sẽ trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Định hướng cho ngành tôm trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần khảo sát quy hoạch vùng phù hợp phát triển nuôi tôm, không để tình trạng nông dân tự phát manh mún. Thủ tướng lưu ý, công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác.

Thủ tướng nhắc lại, người ta nói nuôi tôm chính là nuôi nước, nghĩa là cần duy trì nguồn nước có độ mặn phù hợp hợp, kiểm soát hàm lượng chất hữu cơ, xử lý môi trường tốt, chống dịch bệnh, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh. Để làm được việc này, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành cần mạnh dạn áp dụng đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào xử lý nguồn nước.

Thủ tướng cũng lưu ý, không thể để tình trạng tôm chết do không có điện, nên ngành điện cần cung cấp điện 3 pha phục vụ cho sản xuất tôm, đặc biệt là cho khu vực ĐBSCL. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo vốn tín dụng cho nuôi và chế biến tôm với lãi suất phù hợp.

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp giống và thức ăn của ngành tôm, đặc biệt không để phụ thuộc vào nước ngoài.

Cũng theo Thủ tướng, thương hiệu đối với kinh tế thị trường rất quan trọng, nhưng không phải nơi nào cũng làm được. Do đó, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành cần xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm dựa trên đặc thù, lợi thế tự nhiên của các địa phương. Ngoài ra, cần chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung hay phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến rủi ro khi thị trường đó gặp khó khăn hay biến động.

“Các cơ quan Nhà nước cần chủ động cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp về tình hình cung cầu, giá cả thị trường, để người dân, doanh nghiệp cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh chạy theo thông tin truyền miệng, không chính thống để mở rộng diện tích nuôi tôm vượt quá nhu cầu, quy hoạch gây mất giá, làm ảnh hưởng chung của ngành tôm Việt Nam”, Thủ tướng chỉ đạo rõ.

Thị trường tôm còn rất lớn và đó là thời cơ cho Việt Nam phát triển mạnh lĩnh vực này. (Ảnh minh họa)
Thị trường tôm còn rất lớn và đó là thời cơ cho Việt Nam phát triển mạnh lĩnh vực này. (Ảnh minh họa)

Giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì đề xuất tổ chức lại sản xuất, đề xuất giải pháp cơ chế phát triển ngành tôm, hướng dẫn sản xuất chuỗi liên kết gắn với thị trường; tăng cường kiểm tra giám sát bệnh dịch trên tôm, đẩy mạnh thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở sản xuất thu mua tôm nguyên liệu.

Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm quốc gia; xây dựng chương trình khoa học công nghệ phát triển ngành tôm Việt Nam tập trung các khâu như giao hóa giống tôm với tốc độ tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, kháng bệnh phù hợp từng hình thức nuôi khác nhau; xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực từ doanh nghiệp hoặc tổ chức khoa học khác tham gia phát triển ngành tôm.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chủ trì tổ chức thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, đấu tranh tháo gỡ hàng rào kỹ thuật thương mại ngành tôm; Bộ Kế hoạch – Đầu tư nghiên cứu đề xuất giải pháp huy động các nguồn lực để xây dựng thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển tôm nước lợ; Bộ Tài chính triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu có cơ chế vốn vay ưu đãi cho nuôi trồng, sản xuất ngành tôm.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp các Bộ, ngành liên quan ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm. “Phải kiểm soát tốt việc này để giữ thương hiệu con tôm Việt Nam. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm thì cần xử lý nghiêm theo pháp luật hình sự”, Thủ tướng chỉ đạo.

Huỳnh Hải