1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng và 2 Phó Thủ tướng chỉ đạo về liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 2 Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo quan trọng nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng chỉ đạo quan trọng về liên kết vùng

Tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các địa phương, ý kiến của học giả, chuyên gia kinh tế... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những chỉ đạo, gợi ý, định hướng... để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bền vững, đột phá.

TPHCM được đánh giá có vai trò đặc biệt trong liên kết vùng, là "đầu tàu của đầu tàu, động lực của động lực". Tuy đánh giá cao vai trò hạt nhân của TPHCM nhưng lãnh đạo Chính phủ yêu cầu muốn vùng KTTĐ phía Nam phát triển mạnh, dứt khoát các tỉnh thành phải liên kết, không được "mạnh ai nấy làm".  

Thủ tướng và 2 Phó Thủ tướng chỉ đạo về liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 1
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng chỉ đạo quan trọng về liên kết vùng

Dứt khoát không để người dân bị thiệt thòi

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, vùng KTTĐ phía nam (gồm TPHCM và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) là địa bàn có vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là vùng có sự hội nhập, hợp tác kinh tế tích cực, hiệu quả với khu vực Đông Nam Á và thế giới. 

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy khu vực này đã xuất hiện một số điểm nghẽn về phát triển (tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của vùng, kết nối giao thông kém, các giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu triển khai còn chậm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công các địa phương trong vùng chưa cao...).

Thủ tướng và 2 Phó Thủ tướng chỉ đạo về liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 2
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình: Dứt khoát không để người dân bị thiệt thòi

Để thành công trong phát triển kinh tế, theo Phó Thủ tướng, vùng KTTĐ phía Nam cần gắn với 3 đột phá (cải cách thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực). Vấn đề an sinh xã hội, vấn đề công bằng, khoảng cách giàu nghèo phân hóa đến mức trở thành mâu thuẫn xã hội phải được kiểm soát, dứt khoát không để người dân bị thiệt thòi, bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.

"Nếu chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế bằng mọi giá mà coi nhẹ yếu tố hài hòa giữa các bên, nhất là đối với những người dân yếu thế khi triển khai dự án và quá trình triển khai không bảo đảm đúng quy định cũng sẽ cản trở sự phát triển kinh tế", Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh.

Thủ tướng và 2 Phó Thủ tướng chỉ đạo về liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 3
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, phải có hành động tập thể là liên kết vùng.

Phải có liên kết vùng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, vùng KTTĐ phía nam là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó, TPHCM là “đầu tàu của đầu tàu, động lực của động lực phát triển đất nước, là điều không thể bàn cãi”.

Tuy đánh giá cao vai trò hạt nhân của TPHCM nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vẫn cho rằng, sự cố gắng của từng địa phương trong vùng vẫn chưa đủ, phải có hành động tập thể là liên kết vùng.

Phó Thủ tướng dẫn thực tế bất cập trong đầu tư hạ tầng vùng. Theo đó, qua thực tiễn khảo sát ở các địa phương, tỉnh Đồng Nai “sốt ruột” muốn đầu tư kết nối hạ tầng với TPHCM nhưng TPHCM thì thấy bình thường. Tỉnh Bình Dương lại sốt ruột muốn kết nối với Đồng Nai nhưng Đồng Nai thấy chưa quan trọng.  

Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng vùng phải “ngồi lại” sắp xếp thành danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng. Trên cơ sở danh mục này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ bố trí vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và bổ sung nguồn trong giai đoạn đầu tư công sắp tới để đầu tư.

Phó Thủ tướng đề nghị Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo điều phối vùng kinh tế phía Nam khi khu vực này có vai trò quan trọng đặc biệt đối với kinh tế cả nước.

Thủ tướng và 2 Phó Thủ tướng chỉ đạo về liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Liên kết vùng, không được mạnh ai nấy làm

Không được "mạnh ai nấy làm"

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những hạn chế trong liên kết vùng. Đó là cơ chế, chính sách cho phát triển vùng còn chưa được hoàn thiện, thiếu đột phá. Còn thiếu sự liên kết vùng. Vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", dẫn tới không thể liên kết mạnh mẽ được, công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế.

Hình thức cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ Nam Bộ vẫn mang nặng tính tự phát và chỉ dừng lại ở mức cam kết các thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương; công việc triển khai mang tính toàn vùng còn ít. Sự phát triển lớn mạnh của vùng là do nỗ lực của các tỉnh, thành phố chứ không phải do việc thành lập vùng mà có.

"Muốn vùng KTTĐ phía Nam phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước, thì phải thống nhất quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Công Quang - Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm