Thủ tướng: Thu ngân sách là thành tích, chi tiết kiệm với quyết tâm cao
(Dân trí) - Thủ tướng đánh giá cao việc chi tiết kiệm của ngành tài chính, giúp có thêm kinh phí cho đầu tư phát triển, hỗ trợ người nghèo... Bộ Tài chính cũng ghi nhận thu ngân sách lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng.
Chiều 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Tài chính.
Việt Nam là điểm sáng trên thế giới về an sinh xã hội
Thủ tướng đánh giá cao việc tiết kiệm chi 10% ngay từ đầu năm của ngành tài chính. Người đứng đầu Chính phủ nêu vừa rồi chỉ đạo tiết kiệm chi thêm 10% nữa, trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng để đưa vào việc xóa nhà dột, nhà tạm, nhà nát cho các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nếu chúng ta không quyết tâm thì làm sao có được 6.000 tỷ đồng này để làm những việc nhân văn.
"Việt Nam là điểm sáng trên thế giới về an sinh xã hội", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, năm nay có thời cơ và thuận lợi đan xen, khó khăn thách thức nhiều, cạnh tranh chiến lược và xung đột giữa các nước, các vấn đề an ninh diễn tiến phức tạp… Cùng với đó, trong nước, nhiều vấn đề nổi lên.
"Đơn cử như vấn đề già hóa dân số", Thủ tướng nêu và so sánh việc này các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đang gặp phải. Nền kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng quy mô còn khiêm tốn, các khó khăn nước ta phải đối mặt còn nhiều.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp của Trung ương mà đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm và sự chung sức của người dân, doanh nghiệp thì kinh tế - xã hội vẫn có nhiều điểm sáng.
"Trong lĩnh vực tài chính, nhiều chỉ tiêu đã đạt, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội được tăng cường, khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, biểu hiện là đã nhanh chóng xây dựng lại làng Nủ (Lào Cai) cho người dân và đã khởi công xây dựng cầu Phong Châu (Phú Thọ), có tác dụng củng cố niềm tin của người dân, chứng minh việc đã nói là làm", Thủ tướng nêu.
Đồng thời, thu ngân sách là một thành tích nổi bật và chi ngân sách tiết kiệm với quyết tâm rất cao. Điều hành chính sách tài khóa mở rộng, phối hợp với chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng; nuôi dưỡng nguồn thu, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, hỗ trợ người nghèo.
"Bên cạnh đó, chúng ta vẫn giảm, miễn thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thu ngân sách vượt 2 triệu tỷ đồng
Nhìn nhận nhiều mặt tích cực, song Thủ tướng nêu một số vướng mắc, hạn chế vẫn tồn tại. Chẳng hạn như việc giải ngân vốn đầu tư công. Theo Thủ tướng, thủ tục hành chính còn nhiều, gây vướng mắc.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục rà soát, báo cáo về các công trình, dự án còn dang dở, chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm về tài sản công. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định về quản lý tài sản công để tháo gỡ các điểm nghẽn lớn.
Năm 2025, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để tăng tốc, bứt phá, về đích, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tập trung phải nỗ lực lớn hơn, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, để bớt đầu mối, khâu trung gian và thủ tục hành chính. Bộ Tài chính sẽ hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì vậy phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324.400 tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước vượt 2 triệu tỷ đồng.
Chi ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 1,83 triệu tỷ đồng năm 2024, bằng 86,4% dự toán.
Theo Bộ Tài chính, năm nay, nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%.
Trong năm tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp cải cách hành chính, tăng cường số hóa trong quản lý tài chính và thuế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.