Thủ tướng: Thoái vốn không phải là bỏ chạy tán loạn
(Dân trí) - Thủ tướng cho rằng, với việc cổ phần hóa, tính minh bạch, công khai sẽ tăng lên qua đó giảm được tiêu cực trong doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu trong 2014-2015 phải bổ sung diện doanh nghiệp phải CPH và giảm tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: Chinhphu.vn)
DNNN: Nhiều thành tích, vẫn chưa tương xứng
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời SCIC chào bán cổ phần Vĩnh Hảo giá 85.000 đồng/cp |
Trong khi đó, ngân sách Nhà nước vẫn phải dành nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay nhằm tăng sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa quân đội. Đồng thời, đất nước lại phải đối phó với thiên tai nặng nề.
Tuy nhiên, đáng ghi nhận là kinh tế vĩ mô đã có những diễn biến tích cực, kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, kiểm soát thành công lãi suất, tỷ giá, đẩy mạnh được xuất khẩu (bình quân xuất khẩu tăng 22%/năm). Nhờ đó, cán cân thanh toán tổng thể dương, dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 12 tuần nhập khẩu (gần 40 tỷ USD).
Việt Nam cũng đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, ở mức hợp lý, bình quân 3 năm đạt 5,6%/năm. Chất lượng của nền kinh tế, sức cạnh tranh tuy còn chậm nhưng đã từng bước được nâng lên. Chỉ số ICOR giảm, đầu tư hiệu quả hơn. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch mạnh, nông nghiệp chỉ còn chiếm 18% GDP. Năm nào cũng giải quyết được gần 1,6 triệu việc làm mới…
Những thành tựu này là công sức chung và đáng trân trọng, trong đó có đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Theo Thủ tướng, khối DNNN đã làm được chức năng quan trọng là lực lượng vật chất quan trọng để điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Chẳng hạn trong ngành điện, Thủ tướng nói: “Mười mấy năm nay, lúc nào tôi cũng lo thiếu điện, cắt chỗ này, giảm chỗ kia. Nhưng năm 2013, ngành điện đã có dư công suất dự phòng 30%, đánh dấu một dấu mốc lịch sử của ngành điện lực Việt Nam”.
Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn lưu ý, còn nhiều khiếm khuyết, chưa hài lòng và yêu cầu DNNN cần phải cải cách, phải đổi mới hơn.
Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNN chưa tương xứng với nguồn lực, lợi thế cũng như tương xứng với yêu cầu đặt ra, mặc dù, đúng là vốn tăng, tài sản tăng, doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, đóng góp ngân sách tăng. DNNN đóng góp tăng khoảng 32-33% GDP cả nước nhưng Thủ tướng cho rằng, so với tiềm năng, lợi thế thì nhẽ ra phải có kết quả tốt hơn.
Chưa kể, vẫn còn có những DNNN vi phạm luật, lãnh đạo vi phạm đạo đức, phẩm chất. Hay tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm mạnh, số lỗ giảm từ 20% xuống còn 16% nhưng mức 16% vẫn còn lớn.
Tốc độ tái cơ cấu còn chậm
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, cổ phần hóa là trọng tâm của nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN cũng như tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng, việc tổ chức lại, sắp xếp lại DNNN còn chậm.
Thậm chí, Thủ tướng cho biết, có một số Bộ như bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 16 doanh nghiệp mà chưa cổ phần hóa. Hay như Tổng công ty Hàng Hải 11 doanh nghiệp cũng chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào..
“Bây giờ phê duyệt gần như xong hết rồi mà vẫn chậm. Tôi thừa nhận là có nguyên nhân khách quan, do thị trường chứng khoán khó khăn, huy động vốn nhà đầu tư và tìm cổ đông chiến lược không dễ dàng, cơ chế thể chế còn ban hành chậm. Nhưng cơ bản là do tính quyết liệt, tính chấp hành của doanh nghiệp đối với Nghị quyết của Đảng, Chính phủ còn yếu” – Thủ tướng phê.
Thủ tướng cho rằng, rõ ràng, mục tiêu sắp xếp lại, CPH là để hiệu quả hơn và đó cũng là con đường duy nhất. CPH không có nghĩa là bỏ DNNN mà để doanh nghiệp làm tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đồng thời, CPH sẽ không xảy ra tiêu cực như tại một số doanh nghiệp lớn thời gian vừa qua. CPH chính là để ngăn chặn tiêu cực, tăng công khai, minh bạch. Nếu niêm yết được trên thị trường chứng khoán thì cả xã hội đều có thể giám soát, kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp.
Qua ý kiến của các đại biểu, thủ tướng cho rằng, để đẩy nhanh CPH 432 DNNN còn lại trong 2 năm 2014-2015, bản thân các doanh nghiệp phải quyết tâm hơn nữa. Đồng thời, phải rà soát tiếp để bổ sung thêm các trường hợp doanh nghiệp nằm trong diện này theo tiêu chí mới, không dừng lại ở số đã được phê duyệt.
Thủ tướng cũng giao, trong thời gian này, phải giảm mạnh hơn nữa số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn và giữ cổ phần chi phối.
“Thực tiễn cho thấy không có lý do gì mà không làm được, thể chế đã có rồi, bây giờ đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm. Như ngành bia, nếu cổ phần hóa 8-9% thì cổ phần hóa để làm gì, vậy là quá ít! Liệu rằng ngành bia có nhất thiết Nhà nước phải giữ 75% vốn không, nên giữ 65%, 50% hay dưới 50%?” – Thủ tướng phân tích.
Theo Thủ tướng, phải phân loại được những doanh nghiệp nào cần phải bán ngay cổ phần, chấp nhận bán dưới giá thành tránh để lâu tiếp tục lỗ. Nếu ngoài ngành mà vẫn đang lãi thì cũng phải có lộ trình để khiến việc sắp xếp lại được hiệu quả hơn. Thậm chí, những doanh nghiệp đầu tư đúng ngành và có lãi nhưng không cần nắm giữ cũng nên bán.
Trong thoái vốn, “rút lui phải có trật tự và phải có hiệu quả chứ không phải là bỏ chạy tán loạn”, Thủ tướng lưu ý thêm.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, “ai không thông, còn chần chừ thì phải điều chuyển sang làm công việc khác, nhưng dứt khoát không được đề bạt vị trí cao hơn”.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải chủ trì cả từ hai phía trong công tác tiền lương: lương phản ánh đúng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, theo thị trường cũng không được cao quá mức.
Bích Diệp