Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi trong điều hành

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo, điều hành.

Trong phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIII sáng nay (22/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (Ảnh: Việt Hưng)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, trong những ngày qua, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng các Bộ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tập thể Ban cán sự đảng và mỗi đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình. Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế Nhà nước”.

Theo đó, Thủ tướng cho biết: “Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết, nhất trí, hết lòng, hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì đảng, vì chế độ, vì sự ổn định và sự phát triển bền vững của đất nước.

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Ở trong nước, sự trì trệ của nền kinh tế đang hiển hiện; tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp; nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; quản lý thị trường, quản lý giá đối với một số mặt hàng chưa tốt, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân… Trên thế giới, suy giảm tăng trưởng kinh tế có xu hướng lan rộng; khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa lắng dịu; tranh chấp thương mại, xung đột kinh tế, chính trị có dấu hiệu gia tăng…

“Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm rất cao, có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển bền vững cho các năm tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, kỳ họp thứ 4 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong quá trình chuẩn bị kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện một số cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ kỳ họp Quốc hội.

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, có nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Về Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, nội dung nổi bật cho thấy, so với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm. Tỷ lệ tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn tăng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có bước cải thiện. Huy động tiền gửi tăng 12,7%. Tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, khắc phục một bước tình trạng sử dụng ngoại tệ, vàng để làm phương tiện thanh toán trong nước. Xuất khẩu tăng 18,9% đạt 83,79 tỷ USD, nhập khẩu tăng 6,6%, đạt 83,76 tỷ USD. Ước xuất khẩu cả năm tăng 16,6%, nhập khẩu tăng 6,8%, nhập siêu khoảng 1 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt trên 11 tuần nhập khẩu; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư trên 8 tỷ USD.

Về kiềm chế lạm phát, đã kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ. Kinh tế vĩ mô có những tiến bộ trên một số tiêu chí quan trọng. Trong đó, lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%. Trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%...

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế phân tích trong Báo cáo chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ điều hành, 5 chỉ tiêu không đạt theo Nghị quyết Quốc hội đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn”.

Nguyễn Hiền

Bình luận (0)
để gửi bình luận