1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng lo ngại chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại

(Dân trí) - "Thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại....", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 diễn ra sáng nay (8/12).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 tổ chức tại Hà Nội sáng nay (8/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, chào đón mọi doanh nghiệp ASEAN, quốc tế đến Việt Nam đầu tư.

Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo, các nhà đầu tư tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực hiện tầm nhìn 2025 Việt Nam đang cùng các nước ASEAN củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ liên kết các bên, xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) theo luật lệ đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân có quan hệ với đối tác chiến lược quan trọng và toàn cầu.

“ASEAN có dân số hơn 600 triệu người là khu vực quy mô kinh tế khá lớn GDP đạt gần 3.000 tỷ USD, đang phát triển mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp năng động, sáng tạo. Vai trò trung tâm của ASEAN đã nhận được sự quan tâm của các khu vực nhất là hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại đã nhận được sự tham gia, ủng hộ của quốc tế, bao gồm các tập đoàn hàng đầu thế giới”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực, xây dựng ASEAN thành khu vực lớn mạnh, gắn kết. Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ cấp quốc gia của các nước ASEAN, nhà đầu tư ASEAN đối với tiến trình hội nhập, mở cửa của Việt Nam.

Thông tin tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình, dân số 90 triệu người, tăng trưởng GDP đạt 6,3%, trong giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu bình quân 7%. Việt Nam cũng có nền kinh tế năng động, có độ mở cao, kim ngạch thương mại 2016 gấp 1,7 lần GDP đạt gần 360 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có gần 20.000 dự án FDI với vốn đầu tư 300 tỷ USD, và gần 600.000 doanh nghiệp, hướng đến 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định FTA, có quan hệ với các nước lớn như G7, G20...

Nhìn nhận về những thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khu vực ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên các lĩnh vực như an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ trở lại… Bên cạnh những thách thức vẫn tồn tại nhiều điểm thuận lợi được Thủ tướng chỉ ra như: việc thành lập AEC trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kết nối kinh tế, hạ tầng giao thông, thương mại xuyên biên giới việc xây dựng cộng đồng ASEAN lớn mạnh.

"Từng thành viên ASEAN không thể phát triển nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn, mà cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn và vươn lên các mức giá trị gia tăng cao hơn. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN có vai trò là chủ thể, là động lực của tiến trình liên kết kinh tế và đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, tạo động lực mới trong phát triển thương mại và đầu tư”, Thủ tướng nói.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng nhấn mạnh, sau hơn 20 năm chính thức tham gia hội nhập quốc tế, ASEAN là sân chơi đầu tiên và vẫn là sân chơi quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh sân chơi đó đã mở rộng và gắn kết với nhau một cách chặt chẽ hơn trở thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

"Ở sân chơi này tuy Việt Nam thuộc nhóm trung bình nhưng là quốc gia đang có triển vọng, có nhiều cơ hội chín muồi cho đầu tư và phát triển kinh doanh. Điều quan trọng hơn là có sự mong muốn và chuẩn bị khá kỹ càng để đón nhận đầu tư quy mô lớn và tầm cỡ chiến lược", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, ở vị trí trung bình, Việt Nam hiểu rằng cần thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước thuộc nhóm trên và để làm được điều này Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược là phát triển với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn và tận dụng tối đa các cơ hội quá trình hợp tác mang lại, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề công bằng xã hội, đói nghèo và việc làm.

"Việt Nam cũng đang nỗ lực cải cách để trở thành vị trí số một điểm đến làm ăn của các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Có thể nói rằng cơ hội và các yếu tố thuận lợi đã được định hình. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một lựa chọn tốt để đầu tư kinh doanh", ông Dũng nhấn mạnh.

Ông cũng nói thêm rằng: "Chúng tôi mong rằng khi đến với Việt Nam, các nhà đầu tư có sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan bộ ngành và địa phương cùng xác định cơ hội đầu tư kinh doanh của mình, hợp tác phát triển là xu thế quan trọng mà chúng tôi đã nhấn mạnh".

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm