Thủ tướng: “Không chào đón doanh nghiệp FDI chỉ coi Việt Nam là nơi chuyển giá”

(Dân trí) - Khẳng định, Việt Nam coi các doanh nghiệp FDI là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế và đề nghị các doanh nghiệp FDI gắn hoạt động đầu tư với hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp trong nước, bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, Việt Nam không chào đón các DN FDI chỉ coi đây là nơi chuyển giá.

Mỗi 1 giờ trôi qua có 12 doanh nghiệp ra đời

Tới dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 tổ chức sáng nay (5/12) tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông đã lắng nghe các báo cáo và những phát biểu thiện chí mang tính xây dựng của các đại biểu, các diễn giả, cũng như nghe phản hồi, thảo luận của các Bộ trưởng, Thứ trưởng phía Việt Nam.

“Thủ tướng đã ghi lại những vấn đề lớn mà các quý vị phát biểu hôm nay với thái độ cầu thị lắng nghe”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Thủ tướng tuyên bố Việt Nam không đón chào các DN chỉ coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường.
Thủ tướng tuyên bố Việt Nam không đón chào các DN chỉ coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường.

Thủ tướng đánh giá, thực tế vận hành của nền kinh tế sau 30 năm đổi mới, phát triển đã chứng minh một cách thuyết phục về vai trò, đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Thủ tướng, hiện nay, Việt Nam đã có 600.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, trong đó có nhiều DN, tập đoàn tư nhân lớn có tên tuổi trên thị trường cả trong và ngoài nước. Đáng chú ý, năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 DN đăng ký thành lập mới, và như vậy bình quân cứ 1 tiếng đồng hồ lại có 12 DN đc thành lập mới.

Ngoài ra, tại diễn đàn, Thủ tướng cũng đề cập đến một lực lượng đông đảo hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, là lực lượng kinh tế quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc đến mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.

Đặc biệt, tại Việt Nam đến nay đã có 21.000 DN FDI kinh doanh đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn quốc tế danh tiếng. Theo Thủ tướng, đây là khu vực có tiềm năng, tiềm lực mạnh, đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. Trong năm 2016, mặc dù có những khó khăn song đã có tới 17 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Khu vực FDI là một mắt xích không thể thiếu

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ xác định, trong chiến lược phát triển DN Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Chính phủ coi DN FDI là một thành phần đặt trong một thể thống nhất của kinh tế quốc gia. Điều này cũng đã được đề cập tại Hiến pháp năm 2013.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cần tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực DN FDI. Theo đánh giá của Thủ tướng, khu vực FDI là một mắt xích không thể tách rời trong cỗ máy kinh tế Việt Nam và thực tiễn cho thấy khu vực này có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn, các DN FDI với thế mạnh về công nghệ, thị trường sẽ có cam kết hành động cụ thể hỗ trợ tăng cường liên kết để thúc đẩy các DN trong nước cùng phát triển.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, “Việt Nam không đón chào các DN chỉ coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại với những giá trị cốt lõi đã cam kết”.

Về phần mình, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu các kiến nghị của DN, từ đó giải quyết kịp thời, đúng mức, tiếp tục cải cách về nhiều mặt và cải tiến toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trên tinh thần đó Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực hành động để DN Việt Nam vươn xa toàn cầu.

Bích Diệp