Thủ tướng khẳng định chủ trương đúng đắn khi thành lập Khu Kinh tế mở Chu Lai
(Dân trí) - “Sự ra đời Khu Kinh tế mở Chu Lai đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, giúp Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nhất, nhì của cả nước ở thời điểm chia tách (năm 1997), nay vươn lên tóp những tỉnh phát triển khá”.
Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi công bố Quyết định điều chỉnh qui hoạch chung Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai và Lễ kỷ niệm 15 năm Thaco – Chu Lai vào sáng ngày 16/12.
Ngày 5/6/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Khu Khu KTM Chu Lai và ngày 23/3/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai, Quảng Nam.
Theo đó, Khu KTM Chu Lai có quy mô tổng diện tích tự nhiên 27.040 ha, gồm 16 xã, phường, thị trấn vùng Đông ven biển của 2 địa phương là huyện Núi Thành và thị xã Tam Kỳ (nay là TP Tam Kỳ).
Với một vị trí địa lý có nhiều tiềm năng và thế mạnh vô cùng quan trọng tại miền Trung Việt Nam, là trung điểm giao thoa của hai miền Nam - Bắc, với một bên là đường bờ biển dài và một bên là dải đất rộng, có điều kiện giao thông thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và thế giới thông qua đường QL1A, đường ven biển Quốc gia, đường sắt xuyên Việt, đường biển qua cảng Kỳ Hà, đường hàng không qua sân bay Chu Lai và có đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - khẳng định: “Đây là Khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, phù hợp theo thông lệ quốc tế, các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều quy định về tổ chức quản lý nhà nước và các chính sách đầu tư”.
Tầng trên vòng xuyến 2 tầng
Theo ông Toàn, Khu KTM Chu Lai được xem là một khu kinh tế tổng hợp, gồm nhiều khu chức năng như Khu thương mại tự do có quy mô 1.656,7ha, các khu công nghiệp với tổng diện tích trên 3.500ha, các khu du lịch và các khu đô thị, dân cư khoảng 15.000ha…
“Trong 15 năm qua, với quyết sách của tỉnh về các chiến lược mà trong đó trọng tâm là công tác công tác qui hoạch, đã tạo ra được quỹ đất sạch và hệ thống hạ tầng khung cơ bản, thu hút được nhiều nhà đầu tư. Lũy kế từ khi thành lập đến nay, trên địa bàn Khu KTM Chu Lai có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 93,8 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4,52 tỷ USD; trong đó có 111 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đã thực hiện 68 nghìn tỷ đồng”, ông Toàn phát biểu.
Cũng theo ông Toàn, cùng với những mục tiêu cơ bản đó thì vấn đề ranh giới, địa giới hành chính, dân số và đất đai, định hướng về hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, đặc biệt định hướng các dự án đầu tư cũng là nội dung cần thiết đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu KTM Chu Lai, Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là một Khu kinh tế mà hơn 15 năm trước từ các nhà hoạch định chiến lược kinh tế cho đất nước đến tận từng doanh nghiệp và hầu hết người dân Xứ Quảng đặt nhiều kỳ vọng
Thủ tướng khẳng định, sự ra đời Khu KTM Chu Lai đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, giúp Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nhất, nhì của cả nước ở thời điểm chia tách (năm 1997), nay vươn lên tóp những tỉnh phát triển khá.
Để Thaco tiếp tục đầu tư phát triển và Khu KTM Chu Lai tiếp tục được chọn là Khu kinh tế trọng điểm của quốc gia trong thời gian đến, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến phí. Thứ nhất, miễn thuế tiêu thu đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ôtô. Thứ hai, miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Thứ ba, áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện nay.
Về dài hạn, cần đề xuất các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia.
Về phía tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực cho phát triển, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Xúc tiến kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng Kỳ Hà - Chu Lai, cảng hàng không quốc tế Chu Lai. Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trương và địa phương đã cắt băng khánh thành công trình nút giao vòng xuyến 2 tầng Chu Lai. Đây là công trình do Thaco xây dựng và tặng tỉnh Quảng Nam nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Khu KTM Chu Lai. Đường nối nút giao Chu Lai với Khu Công nghiệp Trường Hải Dự án được khởi công ngày 10/3/2018 tại vị trí giao cắt giữa QL1A, đường sắt Bắc – Nam với tuyến đường trục chính nối từ cảng Chu Lai đến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và cũng là tuyến đường trục ngang chính trong Khu KTM Chu Lai. Đâylà công trình giao thông cấp I đã được Bộ GTVT thẩm định thiết kế cơ sở; chủ đầu tư đã phê duyệt dự án đầu tư và thực hiện các thủ tục theo quy định về đầu tư xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng, gồm cầu xuyến trên tầng 2 đường kính 80m để giải quyết giao cắt với đường sắt cho tất cả các hướng ra vào Khu công nghiệp Cơ khí và Ô tô Chu Lai - Trường Hải và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; các hướng đi từ đường cao tốc, KCN vượt qua đường sắt Bắc - Nam đi Quốc lộ 1A, cảng Chu Lai và ngược lại. Đảo xuyến ở phía dưới mặt đất đường kính 50m (tại QL1A) dành cho các hướng đi trên QL1A và vào cảng Chu Lai; một cầu bộ hành vượt qua đường sắt, nối từ đường Khu Công nghiệp Cơ khí và ôtô Chu Lai - Trường Hải sang QL1A, với bề rộng cầu 3,5m. Công trình nút giao vòng xuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng khai thác đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ quan sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch, tiếp tục tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Nam; đồng thời đáp ứng nhu cầu lưu thông trong khu vực. Dự án cũng sẽ là điểm nhấn cảnh quan đẹp của Khu KTM Chu Lai và khu vực phía nam Quảng Nam, góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh. |
C.Bính