Thủ tướng: Hệ thống chính trị Việt Nam đủ mạnh để bảo vệ nhà đầu tư

(Dân trí) - Trước cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia theo đúng luật pháp quốc tế, song sẽ không để xảy ra những manh động như vừa qua.

GDP cả năm 2014 dự kiến tăng trưởng 5,8%

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


* GDP Việt Nam dự kiến tăng 15% sau ký kết FTA với EU

* Diện tích trồng thanh long tại Long An tăng 3 lần trong 2 năm qua

* Thủ tướng: Hệ thống chính trị Việt Nam đủ mạnh để bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư

* 8 nhà thầu Trung Quốc quay lại Khu kinh tế Vũng Áng

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) 2014 giữa kỳ được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (5/6/2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kinh tế Việt Nam năm 2013, 6 tháng đầu năm 2014 và dự kiến cả năm 2014 đã và sẽ tiếp tục ổn định, phát triển vững chắc hơn. 

Theo đó, lạm phát đã được kiểm soát tốt với hơn 6% năm 2013 và khoảng 5% trong năm 2014. Tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,4% và qua thực hiện 5 tháng đầu năm, dự báo, tăng trưởng GDP có khả năng khoảng 5,8%. Thủ tướng cũng tiết lộ thêm, Việt Nam đã lên kế hoạch tăng trưởng đạt trên 6% trong năm 2015.

Xuất khẩu bình quân 3 năm 2011-2013 tăng trưởng trên 20%. Bước sang 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu đã tăng gần 16%, dự báo cả năm tăng trưởng 15-16%. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, bảo đảm trên 12 tuần nhập khẩu từ đầu 2013 đến nay. 

Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn, dự báo thặng dư trên 8 tỷ USD trong 2014. Lãi suất giảm mạnh theo tín hiệu của lạm phát và phù hợp với thị trường. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng được kiểm soát và xử lý giảm dần.

Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp sáng 5/6/2014 (ảnh: VGP).

Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp sáng 5/6/2014 (ảnh: VGP).

Thủ tướng cũng đánh giá, tái cơ cấu nền kinh tế (bao gồm tái cơ cấu đầu tư, ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước) đã đạt được những chuyển biến, kết quả tích cực tuy rằng chưa đạt được như mong muốn song đã góp phần tích cực vào tăng trưởng và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Trước hàng trăm đại diện doanh nghiệp thành viên VBF có mặt tại Diễn đàn, Thủ tướng cũng chia sẻ về sự cố một số người manh động phá hoại tài sản của của một số doanh nghiệp FDI vừa qua.

Nói về sự kiện này, Thủ tướng cho biết, việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5 đã gây phẫn nộ trong cả dân tộc. Một số nơi, người dân biểu tình phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc. Lợi dụng việc biểu tình yêu nước của người dân, một số người manh động đã cướp giật và phá hoại tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau đó, Chính phủ đã lập tức có những biện pháp ngăn chặn kịp thời và không để tái diễn.

Việt Nam đã chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ và hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường – Thủ tướng cho hay, còn lại khoảng hơn 20 doanh nghiệp là chưa trở lại sản xuất. 

Chính phủ Việt Nam đã quyết định cùng với chính quyền các địa phương để cùng bàn bạc cụ thể với từng doanh nghiệp một bị thiệt hại để đưa ra một phương án sớm phục hồi lại sản xuất, vừa có lý có tình, phù hợp và được cả hai bên đồng tình. 

Qua Diễn đàn VBF, người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi sự ủng hộ của toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau giải quyết sự cố ngoài mong muốn này.

Việt Nam sẽ áp dụng đầy đủ kinh tế thị trường

Về mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kiên định nhất quán và quyết tâm xây dựng một đất nước Xã hội Chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, tự chủ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững - phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ công bằng xã hội. Nếu như năm 2014, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%; 2015 khoảng 6% thì từ 2016-2020 thì tăng trưởng khoảng 6,5% bình quân 5 năm theo hướng bền vững.

Thủ tướng cũng khẳng định với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại VBF, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ, hiệu quả, năng động hơn.

 Đồng thời với đó, Việt Nam chủ động đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với công đồng kinh tế quốc tế. Sẽ thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường nhất là thực hiện cơ chế giá.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ ban hành và sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, trong đó nhấn mạnh doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, trong hai năm 2014 – 2015, Việt Nam sẽ thực hiẹn cổ phần hóa mạnh khoảng hơn 400 doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty lớn. Thủ tướng nhấn mạnh sẽ đặt doanh nghiệp Nhà nước trong cơ chế cạnh tranh bình đẳng của cơ chế thị trường với các doanh nghiệp khác. Đồng thời, tạo cơ chế thuận lợi nhất để phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm, tăng cường vững chắc về an ninh, trật tự, xã hội, bảo đảm môi trường sống yên bình của mọi người dân; sẽ bảo đảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài làm việc học tập làm ăn sinh sống tại Việt Nam. Chúng tôi khẳng định hệ thống chính trị của Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện chính sách, mục tiêu này” – Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia theo đúng luật pháp quốc tế, song sẽ không để xảy ra những manh động như vừa qua.

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước