1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Rà soát lại đầu tư, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền

(Dân trí) - Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ khá sâu, nhưng đề nghị trong tình trạng hiện nay phải rà soát lại các khoản đầu tư, tập trung nguồn lực, tinh thần bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Ngư dân ra khơi bám biển.
Ngư dân ra khơi bám biển.

Sáng nay 23/5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Tạo niềm tin, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân

Tại buổi họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ những lo ngại về tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang diễn ra rất phức tạp, trong khi đó Việt Nam đang phải đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền lên hàng đầu. Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ khá sâu, nhưng đề nghị trong tình trạng hiện nay phải tập trung nguồn lực, tinh thần bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

“Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp động viên toàn dân tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên để bảo vệ chủ quyền quốc gia”, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) nhấn mạnh.

Khẳng định niềm tin vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) yêu cầu cần rà lại các đầu tư, ưu tiên các dự án mang tính chiến lược quốc phòng.

Đánh giá báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay, tình hình kinh tế vĩ mô đang đi đúng nhưng còn chậm. Năm 2013, GDP đạt 5,42%; bình quân 3 năm gần đây mỗi năm GDP tăng 5,6%, thấp hơn 3 năm trước đó. Hiệu quả đầu tư đã được cải thiện. Xuất siêu 5 tháng đầu năm khoảng 1 tỷ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại hối (35 tỷ USD), tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế.

Tuy nhiên, trước tình hình Biển Đông, Chính phủ cần đẩy nhanh 6 giải pháp. Giải pháp cần đặt lên hàng đầu hiện nay, theo đại biểu, là thu hút sức mạnh đoàn kết dân tộc. Các bộ ngành, địa phương phải giải quyết nhanh những kiến nghị của cử tri đã nêu tại kỳ họp này, cũng như các vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, ô nhiễm môi trường hiện nay.

“Phải làm cho được, làm cho nhanh để tạo niềm tin cho dân, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Các bộ ngành cũng cần làm nhanh, làm tốt chỉ đạo của Thủ tướng về hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm lại nhấn mạnh tới việc Chính phủ phải có báo cáo trước toàn dân về tình hình Biển Đông hiện nay, nói rõ các giải pháp để nhân dân hiểu, chung sức một lòng cùng với Đảng, Nhà nước vượt qua thách thức, chứ không phải là chỉ biết thông tin qua mạng, qua báo chí như hiện nay.

Tập trung nguồn lực cho ngư dân bám biển

Đề xuất giải pháp cho Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh tới việc tập trung nguồn lực cho ngư dân bám biển. “Chúng ta có gần 70% dân số sống ở khu vực nông dân nông thôn, cho nên đầu tư cho nông dân, ngư dân lúc này là thắng lợi. Để đầu tư cho ngư dân, nông dân chỉ cần một con số rất nhỏ trong đầu tư công. Tôi vừa trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Đinh La Thăng, biết rằng trong 3 năm qua, ngành này tiết kiệm được 35.000 tỷ đồng do tái cơ cấu đầu tư, thay vì đầu tư cho đường bộ hãy đầu tư đội tàu cho ngư dân. Chỉ cần đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho 10 chiếc tàu để tạo một lực lượng ra khơi hùng mạnh. Chưa bao giờ ngư dân khát khao ra khơi bảo vệ chủ quyền như lúc này. Ngư dân là những người bám biển, nhưng họ vẫn phải tự vay vốn để đóng tàu, ra khơi. Nếu chẳng may gặp rủi ro là trắng tay”, đại biểu Ngân nói.

Cũng theo đề xuất của ông Ngân, ngành dầu khí hưởng lợi nhiều từ biển, đây là lúc cần đầu tư từ cổ tức hoặc cổ phần hóa của ngành để hỗ trợ ngư dân. “Tôi đề xuất Nhà nước đầu tư thành lập các đội tàu để ngư dân đi biển, Nhà nước và ngư dân cùng làm ăn. Ngân hàng cũng nên có một nguồn vốn tài trợ cho ngư dân, với lãi suất 3%/năm và thời hạn vay vốn dài hơn”, ông Ngân bày tỏ.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, Việt Nam phải chuẩn bị tình huống xấu nhất khi buộc phải tự vệ; tiềm lực, ngân sách quốc phòng như thế nào phải tính. Chúng ta phải chủ động để giành thắng lợi và Chính phủ phải dự báo cho được sự ảnh hưởng rất nghiêm trọng của vấn đề Biển Đông lên kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu, nợ công, công ăn việc làm trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân bám biển cũng là đề xuất được nhiều đại biểu nhắc tới. Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, cần có “bàn tay” của Nhà nước trong vấn đề này. Nhà nước cần đứng ra đóng tàu và cho thuê với cơ chế ưu đãi, giải quyết bài toán về ngư nghiệp. Đại biểu đề xuất, Vinashin hiện đang có chức năng đóng tàu nên có thể thực hiện được ngay việc này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) cũng tán thành với cơ chế Nhà nước cần thực hiện việc đóng tàu cho ngư dân bám biển. Theo đại biểu, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan đứng ra thực hiện nhiệm vụ này.

“Với khả năng của các đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân hiện nay, ngư dân chỉ ra khơi được 30 ngày là hết lương thực và xăng, dầu lại phải quay về nên cần những tàu lớn hỗ trợ ngư dân”, đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh đến việc phải làm sao nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Cần thấy rõ lâu nay chúng ta muốn chuyển hướng thị trường, hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Nếu cứ để vậy thì khó hướng tới TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Trong rủi có may, tình hình hiện nay cho thấy phải nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Không thể chuyển hướng nền kinh tế nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay rất tiếc đề xuất nhiều mà chưa làm được công nghiệp hỗ trợ”.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước