1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng giao EVN tăng trưởng nhằm đảm bảo mục tiêu GDP

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá. EVN cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư.

Ngày 21/6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác dẫn đầu đã kiểm tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, giảm chi phí đầu tư

Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục, tại phiên họp Chính phủ tháng 5, Thủ tướng đã giao Tổ công tác kiểm tra một số tập đoàn, trong đó có EVN, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao; Đồng thời kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị 24 của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017.

Liên quan tới chỉ tiêu tăng trưởng, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho hay, với chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng điện 11,5% thì EVN có thể đảm bảo cân đối được. Dù 6 tháng đầu năm tăng trưởng không như kế hoạch đề ra song Chủ tịch EVN khẳng định 6 tháng cuối năm, mức tăng trưởng có thể đạt 13,4%, thậm chí đến 14%.

"Cung ứng điện đảm bảo cho sản xuất sinh hoạt cho người dân là một trong những giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2017 nhưng hiện nay có một số trường hợp, tình trạng quá tải lưới điện cục bộ ở một số địa phương, gây mất an toàn ổn định vận hành toàn hệ thống. Đặc biệt trong thời gian những ngày nắng vừa có có 12.632 cuộc gọi liên quan sự cố mất an toàn về điện", ông Lục nêu.

Phó Chủ nhiệm cũng lưu ý liên quan đến công tác quản lý vận hành các nhà máy thủy điện và nhiệt điện của EVN. Trong thời gian qua xảy ra một số vấn đề: Các học sinh Phú yên đuối nước tử vong ở sông Ba Hạ do nhà máy thủy điện sông Ba Hạ xả lũ; sự cố công trình sông Bung 2 tháng 9/2016 khiến 2 công nhân tử vong và làm thiệt hai nhà cửa, tài sản của dân; tình trạng ngập lụt tại các tỉnh Bình Định đến Ninh Thuận, Đắk Lắk cuối 2016 phức tạp, một số ý kiến liên quan đến các công trình thủy điện xả lũ.

"Gần đây có sự cố nổ tại Nhà máy điện Phả Lại ngày 6/6/2017, tại hội nghị về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng chỉ đạo không để tình trạng xả lũ làm tăng ngập vùng hạ lưu rồi trả lời xả lũ đúng quy trình .Vậy quy trình đó sai không thể chấp nhận được”, ông Lục dẫn lại lời Thủ tướng.

Ngoài ra, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, một số dự án trong quy hoạch điện 7 chậm so với dự kiến; trong đó có nguyên nhân khó khăn về vốn, nhất là nguồn vốn bảo lãnh vốn vay nước ngoài, vướng mắc trong thủ tục trong thực hiện đầu tư xây dựng, yêu cầu cao về bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng, thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng.

"Đề nghị EVN có giải pháp huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án để đảm bảo nguồn cung ứng điện cho nền kinh tế. EVN cần thúc đẩy phát triển các nguồn lưới điện để bảo đảm yêu cầu phát triển, báo cáo triển khai các dự án nguồn điện, mạng lưới điện", ông Lục nói.


Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáng lưu ý, Phó Chủ nhiệm cũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu báo cáo về kết quả tái cơ cấu EVN. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.

“EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá. EVN cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư”, ông Nguyễn Cao Lục đề nghị.

Giảm đầu tư ngoài ngành, minh bạch giá điện

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, EVN đã đảm bảo tăng trưởng điện năng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước.

“Về kết quả sản xuất - kinh doanh, không cần phải nói gì hơn khi thấy 6 tháng đầu năm nay, EVN đã đảm bảo cung ứng điện, ngay cả trong đợt nắng nóng kéo dài vừa qua tại Hà Nội, ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng, về đầu tư - xây dựng, trong bối cảnh đầu tư công cắt giảm, EVN sẽ phải có nhiều cố gắng để khắc phục tình trạng thiếu vốn. Trong đầu tư lưu ý, có dự án chưa có hiệu quả như mong muốn nên phải kiểm soát chi phí ngay từ khâu lập dự án, chọn công nghệ, mua sắm thiết bị...

“Như ngành than, họ ít nhất không có đầu tư ngoài ngành, EVN cần phải xem xét rất kĩ khi đầu tư các dự án đầu tư mới, ngay từ đầu phải xác định đã đầu phải có hiệu quả”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: "Công tác thông tin thời gian qua tốt hơn nhưng vẫn có băn khoăn của người dân, các cấp ngành, Quốc hội về việc tại sao giá điện như vậy. Tôi cho rằng, giá điện có thể cao, tăng có thể lớn nhưng quan trọng là tại sao. Do đó, về vấn đề là phải minh bạch, làm tốt công tác thông tin".

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, theo cơ chế giá hiện nay, điện đang lỗ và còn rất rẻ so với khu vực. Bên cạnh đó, điện được trợ giá ở nhiều nơi dẫn đến không thực hiện được nghị quyết.

"Vừa rồi Quốc hội tiếp tục đưa ra nghị quyết. Chúng ta phải đồng thời yêu cầu tiết kiệm, công khai minh bạch. Nhưng ngành điện còn phải gánh thời kỳ trước dù lãi gộp và lãi thuần tăng khá nhưng hậu quả của 8 -10 năm trước đến giờ phút này vẫn chưa xong. Phải có cơ chế chính sách phù hợp luật pháp hiện hành để ngay trong năm 2017 này xử lý được hậu quả tài chính 10 năm trước", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng, cơ chế giá điện, giá điện cơ sở và khung giá điện bán lẻ, cơ chế tài chính, giá là vấn đề có tính then chốt, quyết định.

"Vấn đề đặt ra là khai thác tài nguyên quốc gia hiệu quả, rõ ràng hiện ngành điện đang là bao cấp, chúng ta đang bù chéo. Đặc biệt, nếu sau này rất khó làm năng lượng sạch với cơ chế giá như hiện nay, như điện gió giá thế giới 9,35 cent, bình quân chỉ 7,35 cent thì phải bù lỗ 2 cent. Không giải quyết dứt điểm vấn đề này thì rất khó thực hiện", ông Tuấn nói.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm