Thủ tướng: Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục trên 40 tỷ USD

(Dân trí) - Theo báo cáo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội sáng nay (20/10), một trong những điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm là dự trữ ngoại hối đã vượt mốc 40 tỷ USD, đạt cao nhất từ trước đến nay.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra sáng nay (20/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp hơn so với dự báo; giá nhiều hàng hóa cơ bản và giá dầu thô ở mức thấp. Thiên tai, biến đổi khí hậu, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung gây "ảnh hưởng nặng nề" đến kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất và đời sống của người dân.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ vẫn tiếp tục điều hành theo hướng phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra (Ảnh: Việt Hưng)
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ vẫn tiếp tục điều hành theo hướng phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra (Ảnh: Việt Hưng)

Theo báo cáo của Thủ tướng, trong 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. "Việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với dịch vụ giáo dục, y tế được chuẩn bị kỹ và điều hành phù hợp, không gây ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá", Thủ tướng khẳng định.

Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%. Một số tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay khoảng 0,5 - 1,5% . Tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định. Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối đạt trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ cũng đã đưa ra những biện pháp điều hành nhằm quản lý chặt chẽ, chống thất thu ngân sách, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế và tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước (NSNN). Tổng thu NSNN 9 tháng đạt 70,8% dự toán; ước cả năm tăng 2,4%; bội chi giữ bằng mức Quốc hội thông qua (theo giá trị tuyệt đối).

Huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh. Trong 9 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 12,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%).

Chính phủ cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 6,7%, trong đó xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 7,4% (cùng kỳ giảm hơn 10%); xuất siêu 2,8 tỷ USD. Ước cả năm xuất khẩu tăng 6 - 7%. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; bảo đảm tốt cung cầu các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.

Với việc đưa thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp rút ngắn còn 1 - 3 ngày, trong 9 tháng đã có trên 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Qua đó, đã tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng tăng 5,93% .Riêng khu vực nông nghiệp đang phục hồi, 9 tháng tăng 0,65% mặc dù quý I giảm 1,23%, 6 tháng giảm 0,18%.

Tuy nhiên, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng thừa nhận rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; trong 9 tháng có khoảng 45.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

"Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến", Thủ tướng cho biết.

Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững. Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch.

Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh; nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động. Công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Xác định từ nay đến cuối năm còn phải đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh những ngày vừa qua, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại nặng nề song Chính phủ vẫn quyết tâm điều hành tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm